Hà Nội: Một số chốt kiểm dịch chưa linh hoạt làm ách tắc vận chuyển nông sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, một số chốt kiểm dịch hoạt động chưa linh hoạt, làm ách tắc, chậm quá trình vận chuyển tiêu thụ các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn duy trì, phát triển ổn định.

Tuy nhiên, khó khăn của ngành nông nghiệp Hà Nội, chủ yếu đến từ một số khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện 9 xã của huyện Thường Tín bị phong tỏa, một số công ty dừng hoạt động do có nhân viên thuộc diện F1. Lượng rau ùn ứ mỗi ngày lên tới 10 tấn.

Một vấn đề nữa, là các chợ đầu mối như Đền Lừ, Minh Khai, Long Biên hiện bị phong tỏa. Nhiều chợ dân sinh hạn chế hoạt động. Các cơ sở, thương lái thu mua nông sản lớn tại các huyện Thanh Trì, Hoàng Mai đã tạm dừng hoặc hạn chế thu mua do giãn cách xã hội.

Hiện, nhiều chợ đầu mối nông sản trên địa bàn Hà Nội tạm thời đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19

Hiện, nhiều chợ đầu mối nông sản trên địa bàn Hà Nội tạm thời đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19

"Số cơ sở giết mổ tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chiếm 34,67%, chủ yếu là các cơ sở quy mô vừa và nhỏ, không hoạt động theo chuỗi giá trị. Sản lượng thịt đưa ra thị trường tiêu thụ giảm khoảng 20-35%”- thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, một số chốt kiểm dịch hoạt động chưa linh hoạt, làm ách tắc, chậm quá trình vận chuyển tiêu thụ các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm. Sở NN&PTNT Hà Nội dự báo, các cơ sở giết mổ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNTcho mượn Trung tâm Triển lãm nông nghiệp Hoàng Quốc Việt làm nơi tập kết nông sản

Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNTcho mượn Trung tâm Triển lãm nông nghiệp Hoàng Quốc Việt làm nơi tập kết nông sản

Để giải quyết vấn đề lưu thông nông sản, thực phẩm, Sở NN&PTNT kiến nghị, cần tăng cường phối hợp với các Sở, gồm Sở GTVT, Sở Công Thương và Sở Y tế. Mục tiêu để tháo gỡ các khó khăn trong vận chuyển, kết nối tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện bố trí phương án “3 tại chỗ” được sản xuất tiếp.

Thứ hai, Sở NN&PTNT đề nghị các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Với riêng các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh, chợ đầu mối thu mua sản phẩm nông nghiệp bị cách ly phòng chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho các người sản xuất không thuộc diện cách ly được đi làm, để đảm bảo lực lượng lao động; đồng thời ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng sản xuất trực tiếp.

“UBND các quận, huyện, thị xã cần sẵn sàng bố trí khu vực trung chuyển, tập kết, tiêu thụ nông sản sản xuất trên địa bàn và từ các tỉnh, thành phố đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, giảm tải cho các chợ đầu mối, không ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân”- lãnh đạo Sở NN&PTNT đề xuất.

Theo đề xuất của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP Hà Nội xem xét, đề xuất với Bộ NN&PTNT cho thành phố sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại tại 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) làm nơi tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh để giảm tải cho chợ đầu mối.

Ngoài ra, có thể tận dụng Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, Sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm…