Hà Nội liệu có thiếu rau xanh, thực phẩm như TP.HCM?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Hà Nội, người dân bày tỏ lo lắng về nguồn cung rau xanh, thực phẩm cho thành phố. Liệu có xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ như tại TP HCM những ngày trước đây?
Hàng hóa đầy siêu thị, người dân không lo thiếu hàng, sốt giá

Hàng hóa đầy siêu thị, người dân không lo thiếu hàng, sốt giá

Từ tối 18-7, sau khi Hà Nội thông báo áp siết chặt phòng dịch từ 0h ngày hôm sau, người dân Hà Nội đã đổ xô đi siêu thị mua sắm. Tới sáng hôm qua (19-7), các siêu thị lớn tại Hà Nội cũng đón lượng khách tăng đến 30% so với ngày thứ Hai bình thường. Nguyên nhân là bởi nhiều người tiêu dùng có tâm lý mua tích trữ lương thực, thực phẩm, rau xanh, đề phòng các mặt hàng này khan hiếm khi dịch bệnh căng thẳng hơn.

Chị Bảo Ngọc (Đống Đa) cho biết: “Người dân không thể dự báo được mức độ lây lan của bệnh dịch nên đi mua thêm chút hàng tiêu dùng dự trữ là đương nhiên. Chúng tôi đọc báo, xem truyền hình thấy người dân TP HCM thiếu thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau xanh, trái cây trong nhiều ngày nên thấy lo lắng”.

Theo chị Quỳnh Trang (Hà Đông), dịch bệnh là tình huống bất khả kháng nên dù người dân đã được trấn an sẽ được cung cấp đủ hàng thì vẫn có thể có lúc không như ý muốn. “Chẳng hạn tại chợ hay nhân viên siêu thị nào đó bất ngờ bị nhiễm Covid-19, các nơi bán này phải đóng cửa thì người dân rất khó mua hàng. Tuy nhiên, qua mấy đợt dịch, tôi thấy cũng không nên hoang mang, chỉ mua chút đồ mà gia đình sắp hết. Nếu cuống cuồng đi khuân đồ từ chợ, siêu thị về thì rất dễ bị mua đắt, thiếu hụt…”- chị Trang nói.

Theo bà Trần Thị Phương Lan- quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%, nếu sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào.

Đáng chú ý, thành phố đã có kịch bản cung ứng hàng hóa căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ như sau: Cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5.359,05 tỷ đồng.

Đến nay, 100% UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 nên người dân có thể yên tâm, không cần mua hàng tích trữ.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP cũng đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Do đó, dù đăng phải đối mặt với một số khó khăn như: nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam (như trứng gia cầm) nhưng nguồn hàng vẫn được dự trữ đầy đủ.

Trên thực tế, ngay sau khi Hà Nội có phương án siết chặt phòng dịch, rút kinh nghiệm từ TP HCM (nguồn cung thực phẩm, rau xanh gặp khó khăn do vận chuyển, kiểm dịch), Hà Nội đã có đề xuất với các Sở, ngành liên quan để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa về Hà Nội. Ngày 19-7, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo tạo “luồng xanh” cho hàng hóa vào nội đô, nhằm đảm bảo đời sống người dân nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, khác với TP HCM, trong khi các tỉnh lân cận TP HCM- nơi cung cấp nhiều nhu yếu phẩm cho thành phố đều đang có dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì với Hà Nội, các tỉnh lân cận cung cấp hàng hóa cho Hà Nội như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn nên nguồn hàng về thành phố phong phú, dồi dào hơn.

Mặt khác, Hà Nội đã chủ động kiểm soát dịch bệnh ở các chợ, trung tâm thương mại nên hiện tại, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… tại Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường, do đó khó có thể xảy ra thiếu hàng sốt giá dù nhu cầu tăng đột biến.

Ghi nhận thị trường cho thấy, sáng nay (20-7), tại các chợ, siêu thị, hoạt động mua bán diễn ra bình thường. Lượng khách hàng khá ổn định, giá cả không biến đổi.