Hà Nội lên kế hoạch phòng chống Ebola theo 3 tình huống

ANTĐ - Dù đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Ebola song vẫn cần khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh; đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra.

Kiểm tra các thủ tục khai báo y tế đối với các du khách
đến từ vùng dịch tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài

Giám sát chặt tại 5 cửa khẩu quốc tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch Ebola tại các nước vùng Tây Phi, chiều 10-8, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu sân bay Nội Bài. Tại đây, công tác kiểm tra tập trung vào việc bố trí nhân lực, tình trạng trang thiết bị, sự sẵn sàng các phương tiện vận chuyển, khu vực cách ly tạm thời khi có các trường hợp nghi nhiễm Ebola. Qua kiểm tra, 2 máy đo thân nhiệt vẫn hoạt động 24/24h tại sân bay. Ngoài ra, tại đây cũng đã bố trí 2 phòng cách ly với đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện bảo hộ và phương tiện cấp cứu đảm bảo khám phân loại, cách ly người bệnh, đồng thời, bố trí các xe cứu thương thường trực để vận chuyển người bệnh. 

Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế giám sát dịch bệnh với các đối tượng có nguy cơ, phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ các trường hợp khách du lịch, người lao động về từ các vùng có dịch...; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Triển khai việc khai báo y tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch; kiểm soát, chỉ đạo xử lý dịch nhanh trên các chuyến bay. Ngoài cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, việc kiểm soát y tế cũng được triển khai ở tất cả 4 cửa khẩu hàng không quốc tế còn lại và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.

Hôm nay (11-8), lần đầu tiên, Trung tâm đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp quốc gia đặt tại Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế sẽ chính thức đi vào hoạt động. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, Trung tâm đáp ứng dịch bệnh quốc gia sẽ là nơi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch bệnh giữa Việt Nam và quốc tế. 

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hàng ngày có 7.000-8.000 khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó có không ít hành khách đến từ vùng có dịch. Vì vậy, đến thời điểm này tuy Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola nhưng theo nhận định trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh bởi dịch bệnh này có thể xâm nhập vào thông qua khách du lịch, người lao động về từ vùng có dịch hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các vùng dịch.  

Sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa nhằm kiểm soát dịch bệnh ở sân bay Nội Bài

Lường trước mọi tình huống xấu

Trước những nguy cơ lây lan của dịch bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Công điện nêu rõ, dù đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Ebola song chúng ta cần phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh do virus Ebola vào Việt Nam; đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Chỉ ra 7 nhóm giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan triển khai tốt việc giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.

Tại Hà Nội, công tác phòng chống sốt xuất huyết do virus Ebola đã được triển khai từ khá sớm và nhanh chóng, trong đó đã đưa ra ba tình huống nhằm phát hiện sớm người nhiễm, xử lý kịp thời không để lây lan, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh. Kế hoạch phòng chống Ebola do Sở Y tế Hà Nội xây dựng đưa ra 3 tình huống hành động cụ thể. Tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh ở Hà Nội: mục tiêu hành động là phải phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và nhân viên y tế. Tình huống 2 là xuất hiện ca bệnh nhiễm Ebola virus tại Hà Nội: khi đó phải khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng và điều trị tích cực bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng: lúc này nhiệm vụ là phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng; đồng thời giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch Ebola virus, điều trị tích cực nhằm hạn chế tử vong do dịch.