Hà Nội lập Sở Du lịch: Đưa Thủ đô trở thành điểm đến có đẳng cấp trong khu vực

ANTĐ - Đây là một trong những mục tiêu được đưa ra tại Đề án thành lập Sở Du lịch Hà Nội.

Hà Nội lập Sở Du lịch: Đưa Thủ đô trở thành điểm đến có đẳng cấp trong khu vực ảnh 1Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Tại phiên làm việc ngày 8-7, đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua Đề án thành lập Sở Du lịch Hà Nội và kiện toàn Sở Văn hóa và Thể thao với 84/84 đại biểu có mặt đồng ý đạt tỷ lệ 91,3%.   

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Lê Hồng Sơn cho biết, căn cứ Thông báo số 113/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và văn bản số 5207/VPCP-TCCV ngày 7-7-2015 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã xây dựng đề án.

Đánh giá về sự cần thiết thành lập Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trước hết là xuất phát từ vị trí và tiềm năng du lịch của Thủ đô. Cụ thể, Thủ đô Hà Nội trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Đồng thời, Hà Nội cũng là cửa ngõ tổ chức đón khách du lịch trong nước và quốc tế, là trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, cầu nối giữa du lịch các tỉnh vùng Bắc Bộ với du lịch cả nước, giữa du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Tính đến nay, Hà Nội có 5.175 di tích văn hóa lịch sử trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 20%, có mật độ di tích cao nhất trong cả nước. Nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, lễ hội Gióng, lễ hội chùa Hương cùng thắng cảnh Hương Sơn.

Hà Nội là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội của miền Bắc, các lễ hội mang văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra sức hấp dẫn bền vững đối với du khách….

Thứ hai việc thành lập Sở Du lịch cũng dựa trên vị thế, quy mô và vai trò của ngành du lịch Thủ đô. Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã khẳng định mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản săc văn hóa dân tộc… đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Trong những năm vừa qua, ngành du lịch Thành phố đã khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố. Tăng trưởng bình quân doanh thu du lịch ổn định mức 15,1 %, năm 2014 đạt doanh thu là 48.000 tỷ đồng.

Mặc dù có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phục vụ cho phát triển du lịch, nhưng trong giai đoạn vừa qua, ngành du lịch phát triển chưa tương xứng. Vì vậy để khai thác hết lợi thế, phục vụ chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, việc thành lập Sở Du lịch để đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới là cần thiết.

Theo Đề án đã được HĐND TP thống nhất thông qua, cơ cấu tổ chức của Sở Du lịch Hà Nội sẽ bao gồm ban giám đốc (1 giám đốc, 3 phó giám đốc) và 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô hoạt động, trước mắt xác định biên chế hành chính của Sở Du lịch là 69 người, trong đó biên chế công chức là 60 người và chỉ tiêu hợp đồng là 9 người.