Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới

ANTD.VN - Đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội, nhiều đại biểu trong và ngoài nước cho rằng, cơ hội thu hút đầu tư vào Hà Nội rất lớn, nhưng quan trọng hơn cả, chính quyền Hà Nội cần biến các cơ hội này thành hiện thực.

Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới ảnh 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: "Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao"

"Hà Nội đã chủ động phát triển kinh tế, thận trọng nhưng nhanh chóng. Tôi chúc mừng Hà Nội được chọn tái khởi động nền kinh tế. Thành phố quyết định phấn đấu tăng trưởng GRDP gấp 1,3 lần cả nước, đây là quyết tâm quan trọng không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước mà còn có tác động lan tỏa toàn quốc vì Hà Nội chiếm 16% GDP, 19% ngân sách cả nước. Hà Nội hoàn thành tốt mục tiêu thì cả nước có điều kiện hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra.

Hà Nội đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, ấn tượng, mời gọi đông đảo các nhà đầu tư, thể hiện sự cầu thị và quyết tâm. Đây là biện pháp cụ thể để đi tới thành công.

Hà Nội hoàn toàn có điều kiện thu hút đầu tư vào nông nghiệp vì 2/3 diện tích là khu vực nông thôn và đất nông nghiệp. Đây là nguồn tài nguyên quý.

Hà Nội có hạ tầng giao thông, logistics tốt nhất cả nước; 35 viện nghiên cứu chuyên ngành nông nghiệp ở Thủ đô; gần 4 triệu người sống ở nông thôn, hơn 1 triệu hộ nông dân có trình độ cao. Đây cũng là trung tâm giống bò, giống gia cầm tốt nhất trên cả nước. Vì vậy, việc xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp hoàn toàn có cơ sở, tập trung vào nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp hữu cơ.

Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng UBND TP Hà Nội, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của Thủ đô".

Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Tập trung đào tạo nhân lực CNTT cho Hà Nội"

"Nhân lực CNTT của Hà Nội hiện đang rất mạnh. Ngay cả nhân lực CNTT để phục vụ CNTT cũng đông đảo. Năm 2012, Hà Nội có 10.000 nhân lực phục vụ CNTT, đến năm 2019, con số này đã tăng lên đến 36.000 người.

Trên cả nước hiện có 153 trường đại học đào tạo nhân lực CNTT, tiềm năng học sinh phổ thông tốt.

Tôi đề nghị Hà Nội xem xét xây dựng đề án tổng thể về nhân lực CNTT vì đây là lực lượng nòng cốt để phát triển kinh tế số và Thủ đô.

Thành phố cần tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các trường đại học đóng trên địa bàn. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành cơ chế đào tạo thí điểm cho phép đào tạo trong nhà trường và tại doanh nghiệp; Xây dựng cơ sở dữ liệu để thống kê cung cầu để kịp thời cân đối trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng sinh viên khi ra trường.

Bộ GD-ĐT cam kết phối hợp với cơ sở đào tạo, hợp tác đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".

Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới ảnh 3

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Cần “phục vụ” tốt doanh nghiệp trong sân và ngoài ngõ nhà mình”

"Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với tính chuyên nghiệp cao và rất sáng tạo. Tên gọi của hội nghị là “Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển” khác biệt với các địa phương khác, nói lên tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong chiến lược phát triển là kêu gọi đầu tư nhưng phải hợp tác và phát triển.

Hợp tác, liên kết đang là điểm yếu của đầu tư tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh đón nhận làn sóng đầu tư mới, định hướng lại chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng vươn tới giá trị gia tăng cao hơn, lớn hơn, Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này.

Hà Nội đã “âm thầm” chuẩn bị điều kiện đón nhận làn sóng đầu tư mới. PCI của thành phố bứt phá vượt lên nhóm dẫn đầu; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nội nằm trong “top” 3-4 địa phương tốt nhất trên cả nước, đầu tư hợp tác công tư cũng dẫn đầu;

Chính quyền điện tử được triển khai, Hà Nội xanh và có nhiều hoa hơn trong mùa hè này. Tầm nhìn của Hà Nội ngày càng bền vững hơn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Hà Nội. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang có xu hướng chuyển dịch văn phòng tại Singapore, Thái Lan sang Việt Nam.

Chất lượng dự án đưa ra tại hội nghị này rất cao, nếu thực hiện được thì quá thành công. Vấn đề là làm thế nào để hiện thực hóa được 40 tỷ USD này? Theo tôi, cần phải phục vụ tốt nhất doanh nghiệp và dự án hiện có, đang ở trong sân và ngoài ngõ nhà mình, vì “hữu xạ tự nhiên hương”.

Tôi cho rằng lãnh đạo thành phố Hà Nội đang cải cách tiên phong nhưng sự thân thiện của công chức cấp cơ sở Hà Nội hiện chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Việc “truyền lửa”, tạo sức ép cải cách, phục vụ doanh nghiệp xuống đến công chức cơ sở rất quan trọng. Hà Nội có thể xem xét nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. VCCI sát cánh cùng doanh nghiệp Thủ đô".

Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới ảnh 4

Ông Ousmane Dione- Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: "Covid-19 mang lại lợi thế nhất định cho Hà Nội"

"Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong giai đoạn hậu Covid-19 là vấn đề chiến lược, lâu dài. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho Hà Nội.

Cụ thể, nó đã tạo ra sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất, hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia. Thách thức đối với Hà Nội lúc này là làm thế nào để tận dụng thời cơ, biến cơ hội này thành động lực lớn để phát triển?

Cũng giống như một cầu thủ bóng đá, tìm kiếm một đội bóng phù hợp để khẳng định tài năng thì các nhà đầu tư cũng đang mong muốn tìm một môi trường phù hợp để phát triển.

Hà Nội không chỉ có môi trường đầu tư thuận lợi, môi trường sống tốt, mà còn đang có công cụ tốt để quảng bá hình ảnh là việc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, trở thành điểm điến an toàn.

Việc thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được hệ sinh thái, xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, thông qua việc lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp trong nước đủ khả năng để liên kết đầu tư sản xuất.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao là phải được chuyển giao công nghệ và tạo động lực để phát triển. Hà Nội có thể tăng khả năng thút hút đầu tư từ việc nâng cao đào tạo các kỹ năng cho người lao động, trong đó chú trọng đến kỹ năng máy tính, công nghệ thông tin, ngôn ngữ, các kỹ năng phức hợp cao.

Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI không chỉ đến đầu tư, mà đến “định cư” để có đóng góp tối đa cho Hà Nội. Để làm điều này, ngoài tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thành phố cần phải tiếp tục cải thiện môi trường sống, như xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, trong đó chú ý đến chất lượng môi trường không khí… biến Hà Nội thành nơi đáng sống, có môi trường sống tươi đẹp.

Ngân hàng thế giới cam kết đồng hành cùng sự phát triển của Hà Nội".

Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới ảnh 5

Ông Kim Han Yong- Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham): "Mong muốn được hỗ trợ chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam"

"Nhu cầu chuyên gia, các kỹ sư, doanh nhân của Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam còn rất lớn. Chúng tôi mong muốn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cân nhắc để cấp visa cho người nước ngoài để mọi hoạt động diễn ra bình thường.

Đồng thời, mong muốn Hà Nội có hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực du lịch, khách sạn; Hỗ trợ thuế, phí để doanh nghiệp sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh".