Hà Nội kịp thời chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp

ANTĐ - Đó là khẳng định của lãnh đạo UBND TP Hà Nội tại hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn năm 2015”, vào sáng 2-3. 

Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo. Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã trao cờ thi đua cho 22 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong năm 2014 và tặng bằng khen cho 11 sở.

Hà Nội kịp thời chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 1Nhiều doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

Trăn trở với lãi suất, tiền thuê đất

Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp gặp phải trong năm 2014 và dự kiến còn kéo dài đến năm 2015, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết: “Doanh nghiệp nông nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7-8% chỉ là danh nghĩa, trên thực tế hầu hết doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 9%, một bộ phận chịu lãi suất 11-12%. Làm sao doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài với lãi suất cao như vậy?”. Theo vị đại diện này, lãi suất cho vay bình quân từ 7,5% trở xuống thì doanh nghiệp mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được.

Phản ánh từ doanh nghiệp cho thấy, họ đang phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tổng cầu giảm, tồn kho cao, chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, vốn thiếu, giá thuê mặt bằng cao, chính sách chồng chéo. Ông Hoàng Long Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội kiến nghị: “Cần nghiên cứu để có thể giảm giá các loại chi phí điện, nước, giá thuê đất, thuê nhà cho doanh nghiệp và người dân, từ đó sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng sức cầu cho tiêu dùng; cùng với đó, cũng cần nới lỏng các điều kiện kinh doanh vận tải, giảm các loại thuế, phí đánh vào phương tiện vận tải để tăng thêm số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Từ đó tạo sự cạnh tranh và giảm giá thành”. Nêu lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội, ông Hoàng Long Quang cũng đề nghị có biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn để hỗ trợ thị trường, giúp tiêu thụ hàng hóa; Nới lỏng điều kiện cho vay, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ giúp doanh nghiệp được vay vốn. 

Theo đại diện doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Việt Nam, năm 2013-2014, doanh nghiệp này được giảm 50% tiền thuê đất nên sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Năm 2015, công ty mong muốn tiếp tục được thụ hưởng chính sách ưu đãi này để mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại khi hội nhập ngày càng sâu rộng.

Sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp

Giải đáp băn khoăn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, lãi suất đang diễn biến tích cực. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm bình quân 5-6% trong thời gian qua. Riêng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn luôn được ưu đãi thấp hơn 1% so với thông thường. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lãi suất hợp lý, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5%” - bà Nguyễn Thị Mai Sương thông tin.

Liên quan đến kiến nghị tiếp tục được giảm tiền thuê đất, ông Phạm Công Bình - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho hay, từ năm 2012-2014, Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm hoãn, giãn, đình chỉ thu tiền thuê đất nhằm chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp. Năm 2015, thành phố cũng đang xin ý kiến. Nếu được chấp thuận, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về tiền thuê đất. Đại diện ngành thuế Hà Nội, ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục Thuế thành phố cam kết, năm 2015, ngành thuế sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian nộp thuế, thực hiện nộp thuế điện tử… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh khoa học công nghệ, thực hiện có hiệu quả năm trật tự, văn minh đô thị… Phấn đấu tốc độ tăng trưởng phải đạt 9-9,5%. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng cần bám sát tình hình, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần ở ngay trong nước, sau đó là nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Năm 2015, Hà Nội đặt mục tiêu tổng sản phẩm nội địa của thành phố (GDP)  tăng 9%-9,5%, tăng trưởng xuất khẩu từ 8-9% là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là tinh thần tự giác, phát huy trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức. Thành phố sẽ theo sát hoạt động kinh tế, kịp thời chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, để kiến tạo nền kinh tế lành mạnh, phát triển nhanh, bền vững”.