Hà Nội kiến nghị thu phí sử dụng hạ tầng giao thông

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội kiến nghị  Chính phủ cho phép thành phố nghiên cứu chính sách thu khoản đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, đô thị, đồng thời chủ phương tiện phải có tài khoản ngân hàng.

Về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP ngày 31-7-2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều dự án theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, góp phần cải thiện điều kiện đi lại cho người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm qua từng năm. Cụ thể, số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 là 124 điểm; năm 2011 còn 78 điểm; năm 2012 còn 67 điểm; năm 2013 còn 49 điểm; năm 2014 còn 46 điểm; năm 2015 còn 44 điểm; năm 2016, 41 điểm.

Hà Nội kiến nghị được thu phí sử dụng hạ tầng giao thông, đô thị

Trong năm 2017, số lượng điểm, nút thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm còn lại 37 điểm. Các tháng đầu năm 2018, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT và các ngành tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông và giảm được 2/37 điểm.

Trong thời gian tới, TP Hà Nội cho biết, sẽ tập trung tối đa nguồn lực triển khai đầu tư cho khu vực đô thị trung tâm từ vành đai 4 trở vào, cơ bản kép kín các tuyến đường vành đai; hoàn thành hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số trục đường hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu…

Đối với hệ thống giao thông tĩnh, hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh), 6 bãi đỗ xe ngầm khu vực trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác trên địa bàn tành phố theo quy hoạch…

Ngoài các giải pháp mang tính chủ động, TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, hoàn thiện và báo cáo Chính phủ, Quốc hội các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý phương tiện giao thông đường bộ như: Ban hành quy định an toàn kỹ thuật giao thông đường bộ và ô nhiễm môi trường đối với các loại phương tiện giao thông đường bộ; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đôi với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố; quy định quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy; bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị cho phép thành phố nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu khoản đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị chung của thành phố, để tạo nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh, phát triển vận tải hành khách công cộng với chất luợng dịch vụ cao.

Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ  đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định về đăng ký xe, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng và có giấy phép lái xe phù hợp để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự ATGT được xử lý bằng hình thức “phạt nguội”.