Hà Nội kiến nghị giảm thủ tục đầu tư công

ANTD.VN - Ngày 20-4, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra 2 công trình đầu tư công đang chậm tiến độ và làm việc với UBND TP Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nghe cáo cáo tiến độ dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kiểm tra thực địa 2 dự án: mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long; Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội”.

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai III đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long hiện đã GPMB 442/877 hộ gia đình; 51/57 tổ chức. Dự án chậm tiến độ chủ yếu vướng mắc khâu GPMB, dự kiến thi công các hạng mục còn lại hoàn thành trong năm 2018…

Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội” đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, hiện còn gói thầu số 9 đang trình nhà tài trợ Chính phủ cho ý kiến không  phản đối hồ sơ mời thầu để phát hành trong quý II/2018. Dự án chậm trễ kéo dài do các gặp phải nhiều vướng mắc vướng mắc khó khăn. Hiện nay, UBND TP đang trình Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT và các Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh danh mục tài trợ dự án; Đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho dự án.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra tiến độ dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội”

Không đầu tư công dàn trải

Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2017 phải giải ngân hết vốn đầu tư công trung hạn. Thực tế, việc giải ngân đầu tư công còn chậm do vướng mắc về pháp luật; liên quan dến 12 dự án luật, hơn 100 Nghị định và rất nhiều thông tư hướng dẫn… Chính phủ đang cố gắng để sửa đổi Luật Đầu tư công, khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Hà Nội là địa phương có cơ cấu vốn rất đặc thù, chúng tôi rất muốn nghe giải pháp của Hà Nội để khắc phục tình trạng giải ngân chậm, đặc biệt là các kiến nghị đề xuất để xem xét đưa vào dự án luật mới”.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội được HĐND TP  thông qua là 104.723,46 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mức vốn bố trí cho 1 dự án ở Thủ đô là 177,1 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, giáo dục, y tế, thủy lợi.

Tính đến trước năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện được 2 năm: 2016 đạt 114,6%  kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; 2017 đạt 96,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao… Quý I năm 2018, thành phố giải ngân đạt 9,9% tổng mức vốn kế hoạch giao. Đến ngày 15-4, giải ngân đạt 11,03% kế hoạch giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư những tháng đầu năm 2018 chưa đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu.

Kiến nghị sửa Luật Đầu tư công

Để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư công, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 17 và các quy định liên quan của Luật Đầu tư công. Bởi một số quy định của Luật Đầu tư công chưa thống nhất với các Luật chuyên ngành khác dẫn đến khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thành phố Hà Nội cũng phản ánh việc quy định bố trí vốn cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP (về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm) sẽ làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án…

Đặc biệt, Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với các nhóm dự án đặc thù sử dụng nguồn vốn Quỹ Phát triển đất thực hiện để ứng vốn đầu tư thực hiện các dự án. Trường hợp phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công thì đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng đơn giản các trình tự, thủ tục.