Hà Nội khuyến khích trường học lắp camera kết nối với cơ quan công an

ANTD.VN - Sau vụ học sinh bị bỏng trong trường học do nghịch cồn, các trường học ở Hà Nội được yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học.

Hàng loạt các biện pháp ngăn chặn tai nạn cho học sinh  như kiểm tra việc bảo quản và sử dụng hóa chất, phòng thí nghiệm, các phương tiện cứu hỏa, phòng y tế, bếp ăn tập thể, căng tin, đồng thời lắp đặt hệ thống camera giám sát được Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học triển khai ngay dịp đầu năm học.

Hà Nội khuyến khích trường học lắp camera kết nối với cơ quan công an ảnh 1Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tăng cường lắp đặt camera, trang bị thiết bị phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường

Các trường học đều cần lắp đặt camera 

Việc lắp đặt camera trong trường học được coi là biện pháp kiểm soát các vấn đề phát sinh gây tai nạn, nguy hiểm cho học sinh. Mới đây nhất, việc học sinh bị bỏng nặng tại trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho thấy nếu sự việc sớm được phát hiện qua hệ thống camera thì giáo viên đã có thể ngăn chặn kịp thời tai nạn không may cho học sinh này. Vì tò mò, 4 học sinh của trường này đã đem cồn y tế đến trường đốt để quan sát. Sự việc diễn ra trên lớp và có lắp camera nhưng hiệu trưởng nhà trường cho biết, các em đã che ống kính thu hình nên giáo viên không quan sát được.

Đây là bài học cần rút kinh nghiệm cả về việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về kỹ năng bảo vệ bản thân khi sử dụng những chất cháy nổ hay việc không được mang đến trường những vật dụng nguy hiểm, sắc nhọn… Ngoài ra, việc lắp đặt camera trong lớp cũng cần bố trí các điểm không dễ bị tác động và cần quan sát thường xuyên, phát hiện sớm lỗi hay trục trặc trong quá trình ghi hình, đặc biệt trong thời điểm học sinh nghỉ bán trú. 

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, việc lắp đặt camera trong trường học là rất cần thiết, giúp hỗ trợ ban giám hiệu các trường quản lý toàn bộ khu vực trong và xung quanh trường. Theo ông Vũ, ít nhất mỗi trường cần bố trí khoảng 20 điểm đặt máy để có thể quan sát tốt nhất tất cả các hành lang, góc khuất, khu vực tiếp giáp ngoài cổng…

Liên quan đến biện pháp đảm bảo an toàn trường học, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội khuyến khích các nhà trường lắp hệ thống camera kết nối với công an phường, xã để kiểm tra rà soát công tác đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, chống xâm hại, chống dịch bệnh, an toàn giao thông... trong trường học, cổng trường và khu vực giáp ranh nhà trường. 

Rà soát công tác đảm bảo an toàn trường học

Trước các vụ việc đáng tiếc xảy ra trong trường học thời gian gần đây như vụ học sinh rơi từ lan can tầng 2 xuống, bị bỏng trong phòng thí nghiệm hay bị va quệt xe ô tô trong sân trường…, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc nói trên, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà trường, quản lý học sinh đảm bảo an toàn, an ninh trường học. 

Theo đó, các trường cần xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh trường học và xây dựng phương án phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ trong các đơn vị giáo dục. Có quy định về phát hiện và xử lý tai nạn, thương tích ở trường học; có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn (nếu có) và phương án dự phòng xử lý tai nạn, thương tích.

Các trường cần rà soát, đảm bảo bố trí có khu vệ sinh nam, nữ riêng; giáo viên, học sinh riêng; kiểm tra điều kiện nội trú, bán trú, tường rào, lối ra vào trường; kiểm tra việc bảo quản và sử dụng hóa chất, phòng thí nghiệm, các phương tiện cứu hỏa, phòng y tế, bếp ăn tập thể, căng tin. Nhà trường phải tăng cường công tác bảo vệ và trách nhiệm của bảo vệ nhà trường, kiểm soát chặt chẽ khách đến liên hệ, người lạ vào trường học. Giám sát phương tiện xe cơ giới ra vào trường học, đặc biệt vào các thời điểm có học sinh hoạt động và vui chơi trong khuôn viên nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, với địa phương theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các hàng quán, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến,... có biểu hiện gây mất an ninh, trật tự ở khu vực gần trường.

Ngoài các biện pháp nói trên, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, nhà trường cần đặc biệt quan tâm hơn nữa tới công tác truyền thông giáo dục đạo đức, cung cấp kiến thức và hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn, an ninh trường học và bản thân, phòng tránh xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức học sinh.