Hà Nội không để thiếu thực phẩm một ngày nào, người dân không cần tích trữ

ANTD.VN - Tại cuộc họp chiều nay, 7/3, tất cả các doanh nghiệp đang cung ứng nhu yếu phẩm trên địa bàn TP Hà Nội đều khẳng định, không thiếu lương thực, thực phẩm để cung ứng cho thị trường.

Cam kết Hà Nội không thiếu hàng 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch Covid-19 tăng 30%-40%.

Từ đêm 6/3 và sáng sớm 7/3/2020 theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ  tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường: các doanh nghiệp như Vinmart hàng hóa tăng 40 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển  từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…

Hà Nội sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trong một ngày nào

Hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30% , huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%, hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối...

Sở Công Thương Hà Nội cũng xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly.

Ngoài ra, Sở đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra , kiểm soát không để hiện tượng găm hàng, bán tăng giá, không niêm yết giá….

“Trong bất kỳ tình huống nào các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân, kể cả hàng khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ  trong hệ thống không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng.

Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không lo thiếu hàng nên bà con yên tâm mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt, không mua nhiều tránh tăng đột biến nguồn cung cục bộ trong 1-2 ngày. Cam kết với người dân Hà Nội không để một ngày nào thiếu hàng”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.

Cần ổn định nguồn cung lâu dài

Tại cuộc họp chiều 7/3, Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc BigC Việt Nam cho biết, một số mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, mỳ, giấy vệ sinh…tăng tùy theo cửa hàng.

Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra cục bộ, một số mặt hàng như thịt lợn đã được BigC làm việc với các đối tác ở Canada, Brazil để nhập khẩu về hệ thống BigC đảm bảo nguồn cung. Trong ngày mai, 8/3, lượng hàng này sẽ về đến siêu thị.

Bên cạnh đó, để giảm tải người tập trung tại một thời điểm, BigC điều chỉnh thời gian mở cửa trong ngày 8/3, sáng từ 7h, thời gian đóng cửa là 23h-24h đến khi hết hàng. Đặc biệt, BigC cam kết không tăng giá bất kỳ mặt hàng nào.

Còn đại diện hệ thống chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ thông tin, đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu; phục vụ nhu cầu người dân.

“Khách hàng không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào và VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày; đặc biệt tăng cường các hàng hoá thiết yếu trên toàn bộ các siêu thị trong hệ thống”- đại diện chuỗi siêu thị VinMart+ và Vimart cho biết.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, sáng nay các hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nhu yếu phẩm tương đối sôi động trên địa bàn Hà Nội.

Và, dù dịch bệnh diễn ra mức độ nào cũng phải chủ động chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối hàng hóa nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để thiếu hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân.

Theo ông Tuấn Anh, Sở Công Thương Hà Nội cần nghiên cứu sâu hơn, có dự báo, trong trường hợp cực đoan nhất tính đến ổn định nguồn cung sẽ như thế nào.

Các siêu thị, nhà phân phối cũng phải tính đến ổn định nguồn cung trong lâu dài, thậm chí tính toán cho trường hợp đột xuất, diễn biến xấu hơn.