Hà Nội: Hơn 26.000 tỷ đồng hàng Tết phục vụ người dân

ANTD.VN - Chiều 19-12, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017. 

Nhu cầu Tết Nguyên đán 2018 dự kiến tăng nhẹ

Theo tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết (tính cho 2 tháng từ 1-1-2018 đến 28-2-2018) gồm: Gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; 220.000 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 12.000 m3 xăng dầu, đặc biệt là xăng sinh học E5 và các mặt hàng may mặc, điện máy. 

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017.

"Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai các hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân dịp Tết 2018"- đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Để cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân khu vực các huyện ngoại thành, đặc biệt trong dịp cuối năm. Dự kiến Tết năm nay, thành phố sẽ tổ chức 4 phiên chợ Việt, khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Sở Công Thương, với số dân trên 10 triệu người, trong dịp lễ, Tết sắp tới, nhu cầu các mặt hàng thịt, thủy hải sản, nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, nước giải khát, hoa quả sẽ tăng cao.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tốt nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Trong đó chú trọng tìm kiếm, khai thác hàng hóa của các doanh nghiệp, hộ sản xuất thuộc các quận, huyện, thị xã của thành phố, đồng thời tổ chức khai thác nguồn hàng hóa đa dạng, bảo đảm chất lượng từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, cũng như trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp muốn tranh thủ bán được nhiều hàng, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký được mở hàng bán đến sát giao thừa và mở cửa trở lại ngay những ngày đầu năm mới. Do đó, người dân sẽ không lo bị thiếu hàng dịp Tết.