Hà Nội: Giáo dục di sản để học sinh yêu sử nước nhà

ANTD.VN -Sáng nay, 28/8, tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra Hội nghị sơ kết Chương trình giáo dục Di sản tại Hoàng Thành Thăng Long và Di tích Cổ Loa. 

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, sau một năm triển khai thực hiện, đã có hơn 19 nghìn học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản. Bên cạnh đó số lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 học sinh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, nổi bật là 2 chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”.

Năm 2018, Chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được nâng lên một tầm mới, bài bản hơn, sâu rộng hơn thông qua việc hợp tác chặt chẽ với Sở GD&ĐT Hà Nội.

Đây được xem là hướng tiếp cận mới, tránh được những lối mòn cũ cùng tâm lý sợ học sử, sử là môn học khô khan...Với việc tạo ra những chương trình chơi mà học, học mà chơi; học sinh được chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm; góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm; rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.

Sau một năm triển khai, chương trình Giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long đã phát huy được những mặt tích cực, thu hút đông đảo học sinh tham gia và từng bước lan tỏa trong cộng đồng. Chương trình đã tạo được ấn tượng trong lòng thế hệ trẻ Thủ đô, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận và hiểu thêm di sản, từ đó giúp học sinh thêm yêu lịch sử, trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Tại Hội nghị tổng kết, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi các nội dung cụ thể như: Việc nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ học sinh; Việc hoàn thiện nội dung chương trình, các sản phẩm cụ thể phù hợp với các lứa tuổi, cấp học;  đề xuất các  giải pháp đẩy mạnh sự kết nối, hợp tác giữa di sản với các nhà trường, các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình.

Dự kiến, trong thời gian tới, Sở GDĐT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm để tổ chức tốt các chuyến tham quan học tập, tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa cho các em học sinh. Tăng cường kết nối với phòng giáo dục đào tạo các quận huyện, các đơn vị, trường học để đẩy mạnh thực hiện chương trình. Đổi mới nội dung chương trình, bổ sung nhiều hoạt động trải nghiệm tương tác giúp các em vừa học vừa chơi, phong phú, sinh động và bổ ích. Phối hợp với các chuyên gia, các thầy cô giáo để  xây dựng các chuyên đề giáo dục phù hợp với cấp học và lứa tuổi.