Hà Nội giãn cách xã hội đến 6-9: Người dân bình tĩnh, hàng thiết yếu “mua tới đâu, dùng tới đó”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau thông tin Thành ủy Hà Nội đồng ý tiếp tục giãn cách xã hội tới ngày 6-9, từ tối qua đến nay, các siêu thị, chợ dân sinh… không có tình trạng người dân chen lấn để gom hàng tích trữ.
Khách hàng thoải mái mua sắm tại siêu thị, không đổ xô, chen lấn

Khách hàng thoải mái mua sắm tại siêu thị, không đổ xô, chen lấn

Không chen lấn mua hàng tích trữ

Tối qua (20-8), tại Big C Thăng Long, lượng người mua ổn định, dù thông tin Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đã được công bố và vừa là tối cuối tuần, vừa sắp đến Rằm tháng Bảy.

Chị Nguyễn Hà My (Trung Hòa- Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Người dân chúng tôi đoán được thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội vì diễn biến dịch bệnh khó đoán định. Nhưng dịch bệnh tại Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, trong những ngày giãn cách vừa qua, chỉ trừ ngày đầu tiên các siêu thị, chợ thiếu hàng cục bộ, còn lại những ngày sau, hàng hóa vẫn đủ đầy, không việc gì phải mua gom, tích trữ”.

Tại một số siêu thị VinMart/VinMart+, lượng người mua cũng không tăng nhiều. Đặc biệt, các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích trong khu chung cư của nhà bán lẻ này đã không còn tình trạng chen lấn mua hàng, hết hàng không bổ sung kịp nữa.

Tại các chợ truyền thống, sáng nay (21-8), giá cả hàng hóa ổn định, chủng loại hàng phong phú, người mua đều tuân thủ “5k”. Trên thực tế, người dân đã quen với việc đi chợ bằng phiếu, việc này được thực hiện một cách trật tự, khoa học, không gây xáo trộn nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Chị Nguyễn Ngọc Kiều (Trung Văn- Nam Từ Liêm) cho biết: “Phiếu đi chợ của chúng tôi 2 ngày 1 lần. Giờ người dân đã quen nên mua đồ đủ dùng trong thời gian không đi chợ, mua tới đâu, dùng tới đó để vừa tươi ngon, vừa không bị đắt”.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân.

Chủ động nguồn hàng

Đại diện hệ thống VinMart/VinMart + cho biết, từ ngày 20/08 – 5/09, VinMart/VinMart+ tổ chức “Tuần lễ nông sản và đặc sản miền Tây”. Theo đó, mỗi ngày sẽ có hàng trăm loại trái cây, rau củ tươi ngon được khuyến mại với giá ưu đãi, người dân có thể yên tâm mua sắm.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong đợt giãn cách xã hội tiếp theo, các hệ thống phân phối tiếp tục dự trữ nguồn hàng lớn, lượng hàng tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng nên người dân không lo thiếu hàng, sốt giá.

Thực tế cho thấy, khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh có bị giảm khoảng 10%-15% do phải đóng cửa, TP đã chỉ đạo các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5- 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong TP.

Một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%)… Do đó hàng hóa thường xuyên dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định (trừ một số mặt hàng rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn tăng nhẹ khoảng 5%- 7%).

Ngoài ra, các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng (bán online trên nền tảng TMĐT, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân. Đến nay đã có 9 quận đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký nhu cầu 62 điểm điểm bán hàng bằng xe bus, 14 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngoài hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích hiện có, TP còn có thêm 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu; các quận, huyện, thị xã; Viettel Post 41 điểm; sẵn sàng kích hoạt 2500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí. Ngoài ra còn có các “siêu thị mini 0 đồng” để hỗ trợ người khó khăn.

Từ đầu tháng 8-2021do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa. Tuy nhiên, TP đã nhanh chóng tiến hành truy vết, khử khuẩn… để sớm mở cửa lại chợ nhằm thêm nguồn cung thực phẩm cho người dân.

Tính đến ngày 20-8, Hà Nội còn 32 chợ , 7 cửa hàng tiện lợi đóng cửa để thực hiện truy vết, khử khuẩn. Chợ Đầu mối phía Nam mở cửa trở lại từ sáng ngày 17-8, chợ đầu mối Minh Khai mở cửa vào 23h00 ngày 21-8...

Để đảm bảo kết nối nguồn cung hàng hóa và giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, TP đã nhất trí trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố gồm: Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội – xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên; Khu tái định cư – xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn; Ô đất trống xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; Bến xe Yên Nghĩa – phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; Trung tâm xúc tiến thương mại- Bộ Nông nghiệp &PTNT số 489 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm.

Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng ngày, người dân Hà Nội có thể yên tâm không lo thiếu hàng, sốt giá.