Hà Nội được trao nhiều cơ chế đặc thù

ANTĐ - Chiều qua (21-11), với tỉ lệ 75,70% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô. Đây là tiền đề để Thủ đô Hà Nội phát triển tương xứng với tầm vóc của mình trong tương lai.

Về biểu tượng của Thủ đô, có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc làm rõ hơn tiêu chí lựa chọn và cần tổ chức cuộc thi để lựa chọn. Ngoài Khuê Văn Các còn có thể lựa chọn hồ Gươm, Chùa Một Cột hoặc Cột cờ Hà Nội, thậm chí là sông Hồng, núi Tản Viên… làm biểu tượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, tất cả các hình ảnh này đều gắn với Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên Khuê Văn Các- công trình văn hoá lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, sẽ thể hiện được đồng thời truyền thống hiếu học của người Việt Nam và nền văn hiến lâu đời của đất nước. Nhiều năm qua hình ảnh Khuê Văn Các cũng đã được TP Hà Nội sử dụng và được nhân dân  cả nước, bạn bè quốc tế công nhận và trân trọng. Vì thế quy định trong Luật này Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Nội dung này có 77,31% ĐBQH nhấn nút thông qua.

Với vị trí và vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng về đối nội và đối ngoại... nên đa số ý kiến các vị ĐBQH đều tán thành việc cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội. Theo đó về tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư thì Thủ đô Hà Nội được phép huy động các nguồn lực tài chính khác để đầu tư, xây dựng và phát triển trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Về xử phạt vi phạm hành chính: Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH không quy định về vấn đề cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật lần này. Các mức thu phí cụ thể sẽ được HĐND TP Hà Nội quy định trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính. 

UBTVQH nhận thấy, để phát triển một Thủ đô văn minh, hiện đại thì quy hoạch là vấn đề đầu tiên và rất quan trọng. Quy hoạch vừa phải bảo đảm phù hợp thực tiễn đô thị Việt Nam, đồng thời đảm sự phát triển bền vững. Quy hoạch phải có sự quản lý khách quan, công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cũng như sự giám sát chặt chẽ của người dân. Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH, Luật Thủ đô đã được chỉnh lý theo hướng nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí trung tâm, ổn định, lâu dài của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch này. Trong một loạt các vấn đề liên quan đến quy hoạch Thủ đô, Luật đã làm rõ và quy định chặt chẽ hơn đối với loại cơ sở phải di chuyển toàn bộ khỏi nội thành, loại cơ sở bị cấm xây dựng mới, mở rộng quy mô; Bổ sung quy định thiết lập không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Hồng trong việc xây dựng... Nội dung quy hoạch phát triển Thủ đô nhận được sự đồng thuận cao, thông qua của tổng số 407 ĐBQH (tỉ lệ 81,73%). Từ 1-7-2013 tới đây, Luật Thủ đô sẽ chính thức có hiệu lực.

Kinh nghiệm cho sự phát triển các đô thị
Với việc Luật Thủ đô được thông qua, tôi nghĩ từ nay Thủ đô Hà Nội sẽ chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như có những quyết sách phù hợp để giải quyết những vấn đề “nóng” hiện nay như, thu hút vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, sử dụng nhân tài, môi trường... Hiện Hà Nội đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống sẽ giải tỏa được vấn đề này. Kết hợp với những biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô sẽ tạo được những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính những thực tiễn đó là kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển các đô thị khác trên cả nước. 

(Chị Nguyễn Thu Phương, 22 tuổi, ở Hà Huy Tập, Gia Lâm, Hà Nội)

Để Thủ đô chủ động bứt phá

Hà Nội là Thủ đô của 90 triệu người dân Việt Nam, ai cũng đều có một tâm nguyện, làm sao để cho Thủ đô phát triển hơn nữa. Và Luật Thủ đô được Quốc hội biểu quyết thông qua là niềm phấn khởi không chỉ của người dân Thủ đô mà còn cho sự phát triển chung của đất nước. Mong muốn lâu nay của người dân đã thành hiện thực với một cơ chế pháp luật để Hà Nội phát triển tương xứng với vị thế là Thủ đô của quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nên sự phát triển năng động, bền vững để Thủ đô chủ động bứt phá. Tôi mong rằng, khi đi vào cuộc sống Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để luôn phù hợp với thực tiễn. Như thế, chắc chắn Thủ đô ngày một phát triển vượt bậc.

(Anh Nguyễn Bảo Hoàng, 34 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội)