Hà Nội đưa ra hàng loạt nhiệm vụ để nỗ lực đạt tăng trưởng trên 2,56% trong quý IV-2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội sẽ khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tập trung chỉ đạo sản xuất đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, phấn đấu quý IV trên 2,56%...
Sản xuất an toàn tại Công ty May 10

Sản xuất an toàn tại Công ty May 10

Tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng đầu năm 2021 của UBND TP sáng 1-10, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III-2021 ước tính giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tính chung 9 tháng năm 2021, GRDP của thành phố tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 5,85%; quý III giảm 7,02%); Tăng trưởng GRDP 9 tháng năm nay đạt mức thấp so với kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2020 và so với cả nước (tăng 1,42%) chủ yếu do quý III giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Bên cạnh một số chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng là 46.338 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán năm và bằng 95,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 1.292 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 8 và tăng 2,8% so với cùng kỳ

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt. CPI tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,54% (9 tháng năm 2020 tăng 3,3%). Trong tháng 9, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố đã hỗ trợ trên 1,625 triệu lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 559,389 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 84 nghìn người có công và thân nhân với số tiền 1.562 tỷ đồng.

Dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp và để lại những hệ quả kéo dài; giá một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất (sắt, thép, dầu mỏ) có xu hướng tăng là lực cản cho phục hồi kinh tế. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định sự dai dẳng của đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại Thế giới năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Chính phủ đã và đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 và đẩy nhanh tến độ sản xuất vaccine trong nước để triển khai tiêm phòng cho người dân. Sự ổn định và tăng trưởng kinh tế năm 2021 tùy thuộc quan trọng vào khả năng kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, các nhiệm vụ trọng tâm được UBND TP nêu cụ thể xung quanh 2 nội dung chính là tiếp tục kiên định, kiên trì các biện pháp phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố; Kế hoạch phục hổi sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và địa phương.

Các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế được nêu rõ là: tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.

Thành phố cũng sẽ đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên dành nguồn chi đầu tư phát triển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, các dự án trọng điểm, quan trọng của Thủ đô.

Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, phấn đấu quý IV trên 2,56%; Tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.

Hà Nội cũng sẽ đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh cả về chất lượng và quy mô, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chủ động phòng chống dịch bệnh, trọng tâm là dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội...