- Hà Nội sẽ đối thoại với doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội, bãi đỗ xe
- Hà Nội sắp đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa - xã hội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời các vấn đề doanh nghiệp quan tâm |
Sáng 16/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn.
Cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam nêu ý kiến, việc giấy phép lao động cho giáo viên người nước ngoài gặp nhiều khó khăn đối với nhóm giáo viên dạy chương trình bổ trợ tại các trường phổ thông.
Đại diện trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Xuyên) cho hay các trường THPT tư thục tuyến huyện có khó khăn lớn trong hoạt động như điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo. Do vậy, học sinh của các trường tư thục có nhiều thiệt thòi hơn so với các trường công lập, đề nghị thành phố có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các trường THPT tư thục.
Trả lời các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nêu lại những quy định hiện hành và nêu rõ, tiêu chí với người nước ngoài làm việc tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ngoài quy định chung, Hà Nội không ban hành bất kỳ quy định nào riêng cho đối tượng lao động này.
Thành phố luôn tháo gỡ mọi điều kiện về thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp, trung tâm tham gia hoạt động này một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, UBND TP đã ủy quyền cho quận, huyện thực hiện thủ tục hành chính cấp phép cho lao động nước ngoài để giảm thời giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho các đơn vị, người lao động.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa xã hội kiến nghị nhiều vấn để để phát triển lâu dài |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết thêm, trung bình mỗi năm Hà Nội có trên 4.000 giáo viên nước ngoài, giáo viên người bản địa đến làm việc, trong đó tập trung vào giảng dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật tại các trung tâm.
“Sở vẫn thống nhất áp dụng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có nêu rõ nếu không nắm được nhân thân, trình độ, văn bản cần thiết thì sự giảng dạy của giáo viên không đạt hiệu quả tốt. Đây là quy định bắt buộc với đội ngũ này giảng dạy tại Hà Nội”, ông Trần Thế Cương phân tích.
Liên quan đến kiến nghị thành phố ưu tiên đầu tư cho trường THPT tư thục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, thành phố luôn có chính sách hỗ trợ về đất đai, điều kiện xây dựng, đảm bảo an toàn trong trường học.
Đối với các trường sẽ có nhiều cạnh tranh trong đào tạo, nếu trường nào tốt học sinh và phụ huynh sẽ tự động tìm tới, trường nào chưa tốt thì hoạt động sẽ khó khăn. Sở đã có sự phối hợp với các trường tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy và học, đảm bảo sự phát triển của các trường…
Đại diện Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec nêu ý kiến về những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp y tế liên kết, hợp tác với nhau và với các cơ sở y tế công lập, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực và giảm chi phí.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, ở thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ của chúng ta là 16 bác sĩ/10.000 người dân; số lượng giường bệnh/10.000 dân đạt 31,6%.
Hiện nay, Thành phố có khoảng 20 dự án của các bệnh viện tư nhân đang làm thủ tục đầu tư và có 4 dự án được đưa vào hoạt động với khoảng 5.000 giường bệnh.
Về các vấn đề liên doanh, liên kết, hợp tác trong công tác khám, chữa bệnh trong chuỗi cung ứng của y tế Vinmec, Hà Nội luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển, đặc biệt rất quan tâm tới việc thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại và các cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu vực khó khăn về kinh tế.
Tuy nhiên, để thực hiện việc này thì cần phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Giai đoạn tiếp theo, khi Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung liên quan tới lĩnh vực y tế. Đó là các dự án đầu tư mới trên địa bàn thành phố về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi…
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, đại diện các sở ngành khẳng định chính quyền Hà Nội luôn khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế; khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phát triển các dự án y tế...
Toàn cảnh hội nghị |
Kỳ vọng lớn trong lĩnh vực văn xã
Phát biểu kết luận Hội nghị, làm rõ thêm các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết đây là hội nghị thứ 4 Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của mình.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh Hà Nội cho hay, những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng hơn các tỉnh khác trên nhiều mặt, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, từ nghệ thuật biểu diễn, làng nghề ,thể thao, du lịch, dịch vụ, y tế và kể cả giáo dục. Có kết quả đó là công sức của nhiều thành phần, trong đó có sự góp sức của doanh nghiệp ngoài nhà nước, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này.
“Trong bối cảnh có “rừng” chính sách, thủ tục hành chính như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn vượt qua và đứng vững, thậm chí là phục hồi sau Covid-19, thành phố trân trọng và đánh giá cao của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, kính nể nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề.
Thành phố xác định trách nhiệm với các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, mặc dù Thành phố đã có nhiều cố gắng trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Chủ tịch UBND TP thông tin thêm, Thành ủy, HĐND, UBND luôn quan tâm đến các lĩnh vực này bằng các hành động, việc làm cụ thể. Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có nhiều điều sẽ mở đường ở các lĩnh vực, trong đó có văn xã.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt kỳ vọng lớn vào thay đổi nhiều hơn, căn bản hơn về lĩnh vực văn xã và cho biết thành phố cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như: cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp cùng hưởng, cùng nhau phát triển.
“Thành phố rất trăn trở, cụ thể hóa từ Nghị quyết thành hành động cụ thể, quan tâm bằng chính sách; nâng cao năng lực để xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, phân cấp ủy quyền cho các sở nhiều hơn về các lĩnh vực, cải cách hành chính để công việc nhanh hơn, nhạy hơn”, Chủ tịch UBND TP nói.
Liên quan đến một số kiến nghị cụ thể, Chủ tịch UBND TP đề nghị tổng hợp lại một cách đầy đủ, phân loại các nhóm kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp trên và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền thành phố, có điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động.
“Mong doanh nghiệp chia sẻ với thành phố, chấp hành chính sách cho đúng, trách nhiệm của các cơ quan là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động đúng quy định”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.