Hà Nội: Độc đáo gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những đồ bỏ đi như vỏ lon, chai nhựa, bìa carton… có thể mang đến gian hàng để đổi lấy thực phẩm tươi ngon. Đây là câu chuyện có thật giữa trung tâm Hà Nội.

Hàng ngày, từ 6h sáng tại cửa hàng số 3, phố Quốc Tử Giám (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) đã có đủ rau củ quả, nông sản tươi sống. Người dân khi mang phế liệu đến đây sẽ được quy đổi thành tiền, cửa hàng sẽ trả bằng sản phẩm nông sản.

Chị Nguyễn Thị Tươi, phường Quốc Tử Giám cho biết: Bình thường những phế liệu như bìa carton, vỏ lon… thường cho các bà bán đồng nát. Nhưng đợt giãn cách vừa rồi không thấy họ đi nên toàn bỏ ra thùng rác. Từ khi thấy có gian hàng này, tôi cứ gom lại rồi mang ra đổi. Nhiều khi mấy ngày liền không phải mua rau, mà rau ở đây lai tươi ngon, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.

Gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm tại số 3 Quốc Tử Giám

Gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm tại số 3 Quốc Tử Giám

Thực phẩm đều an toàn, tươi ngon

Thực phẩm đều an toàn, tươi ngon

Bà Nguyễn Thị Mùi, 65 tuổi, tay xách một túi bìa carton đến hồ hởi: Từ hôm mở gian hàng, tôi đã đổi được 5 lần. Những phế liệu này bình thường nhà con gái, con trai toàn bỏ hết ra thùng rác. Giờ tôi nhặt lại đem ra đây, đổi rau củ mang về ăn, toàn đồ sạch nên cũng yên tâm.

Tại đây, bảng giá cho mỗi loại rác cũng như nông sản đều được niêm yết công khai. Một kg bìa carton, túi nilon có giá 3.000 đồng, nhựa tái chế, sắt vụn có giá từ 3.500-9.000 đồng/kg.

Ông Trần Ngọc Tuấn, quản lý cửa hàng

Ông Trần Ngọc Tuấn, quản lý cửa hàng

Ông Trần Ngọc Tuấn, quản lý cửa hàng cho biết: Mô hình “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch” được triển khai từ ngày 22/9 nhằm hỗ trợ bà con trong dịch Covid-19 và bảo vệ môi trường. Đến nay, tại Hà Nội đã có khoảng 20 gian hàng như vậy hoạt động. Thực phẩm đổi phế liệu ở đây cũng là thực phẩm sạch, từ rau củ quả đến thịt, cá đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã qua kiểm định, bảo đảm an toàn, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu và không thuốc tăng trưởng. Từ hôm mở cửa đến nay, bà con rất ủng hộ mô hình này.

Được biết, mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 - 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến 200 kg. Sắp tới học sinh được đến trường, công ty dự kiến sẽ triển khai thêm mô hình đổi phế liệu lấy sữa và đồ dung học tạp tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc.