Hà Nội đi đầu trong xây dựng thành phố thông minh

ANTD.VN - Tại phiên đối thoại về Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 năm 2017 diễn ra ngày 31-7, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn được tham gia xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.

Hà Nội tiên phong xây dựng thành phố thông minh

Tại phiên đối thoại về Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 năm 2017 diễn ra ngày 31-7, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tiềm năng to lớn của việc xây dựng thành phố thông minh.

Theo đó, năm 2020, trên toàn cầu, thành phố thông minh sẽ trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Việt Nam có 800 đô thị, tốc độ đô thị hóa khoảng 80%/năm nên đây là cơ hội rất lớn để xây dựng thành phố thông minh.

Tuy nhiên, để thực hiện công việc này thì còn rất nhiều khó khăn. Có thể kể đến là việc thiếu tiêu chuẩn về thành phố thông minh; Việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc mở; Xây dựng và đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin. 

Một vấn đề quan trọng khác là "Cần giao cho doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh với tiêu chí bình đẳng trong cạnh tranh và phát triển so với các doanh nghiệp khác"- đại diện doanh nghiệp kiến nghị. 

Đối thoại với doanh nghiệp về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng cho biết, các nước trên thế giới cũng mới bắt đầu xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thành phố thông minh nên Việt Nam rất khó thời điểm này có bộ tiêu chuẩn. 

"Bộ TT-TT cùng các đơn vị liên quan đang phối hợp với Nhà nước xây dựng bộ tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình Việt Nam. Các doanh nghiệp mong muốn triển khai nhanh thành phố thông minh nhưng Nhà nước lại thận trọng để việc xây dựng này phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế"- Thứ trưởng Bộ TT-TT cho hay. 

Đại diện Bộ TT-TT cũng cho biết các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Hà Nội luôn xác định xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng. Xây dựng và phát triển kinh tế số là con đường bắt buộc của các đô thị lớn trên thế giới, trong đó có Hà Nội.

Xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh giúp Hà Nội giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, đặc biệt giảm chi phí của doanh nghiệp; là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính; Xây dựng nền kinh tế số là nền tảng cốt yếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong trương lai".

Vì vậy, Hà Nội đã mạnh dạn vứt bỏ 170 chương trình phần mềm và sever riêng lẻ của các quận, huyện, các phần mềm sử dụng quỹ viễn thông công ích để xây dựng hệ thống mạng WAN tập trung của thành phố đến 584 phường, xã, 30 quận huyện trên toàn thành phố.

Hà Nội cũng chuyển đổi đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sang thuê dịch vụ, sever, đường truyền. Đồng thời, giao cho các doanh nghiệp tư nhân viết phần mềm, nghiệm thu xong thành phố mới thanh toán. 

Điển hình là việc thí điểm xây dựng điểm đỗ xe thông minh được triển khai từ ngày 1-5-2017. 

Sau 1 tháng triển khai, các điểm đỗ đã mang lại doanh thu 592 triệu đồng, tăng 270% so với trước đó việc thu tiền mặt của lái xe. Trong đó, 92% lái xe trả qua điện thoại thông minh, 8% trả qua thẻ. "Công nghệ này hoàn toàn do nhóm thanh niên Việt Nam đi học tin học nước ngoài về viết và Hà Nội nghiệm thu"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ. 

Cũng theo chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội đã đi tiên phong trong ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến qua mạng như: thủ tục thông quan, đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và dữ liệu học sinh... Từ đó phục vụ người dân Thủ đô tốt hơn.