Hà Nội đi đầu trong phòng, chống tham nhũng

ANTĐ - Hôm qua, 26-2, Thành ủy Hà Nội đã sơ kết thực hiện Chương trình 09-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015”. 

Hà Nội đi đầu trong phòng, chống tham nhũng ảnh 1
Công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính là cách làm hiệu quả của Thành phố Hà Nội 
để hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Ảnh: Phú Khánh


Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất, sau 3 năm thực hiện, Chương trình 09 đã phát huy hiệu quả tích cực đối với việc thực hiện công khai, minh bạch trong hệ thống chính trị. Tham nhũng, lãng phí được kiềm chế, ngăn chặn. Trên một số lĩnh vực trọng yếu, tham nhũng đã được đẩy lùi. Hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự được nâng lên rõ rệt; đã ngăn chặn và kiềm chế gia tăng tội phạm... góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và tạo niềm tin trong nhân dân.

Thành ủy luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, với quan điểm phát hiện sớm, kết luận chính xác, kịp thời, xử lí nghiêm minh, đúng pháp luật, bất kể cán bộ đó là ai, cấp gì. Trong 3 năm thực hiện chương trình, Hà Nội đứng đầu cả nước về phát hiện, khởi tố, truy tố, xét xử. Riêng ngành tòa án đã thụ lý sơ thẩm 67 vụ, với 169 bị cáo phạm các tội tham nhũng; đã xét xử sơ thẩm 50 vụ, với 123 bị cáo. Trong đó, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử với mức án hết sức nghiêm khắc, đủ sức răn đe, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tạo được tiếng vang, củng cố niềm tin trong nhân dân. 

Trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Hà Nội đã tiết kiệm được trên 3.050 tỷ đồng. Năm 2013, TP đã chỉ đạo tạm dừng việc mua sắm, trang bị tài sản cho các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành ủy, hiện nay, công tác này còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức có chức vụ còn suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thậm chí có cán bộ, đảng viên lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, nhưng chưa được phát hiện và xử lý. Quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực “nhạy cảm” còn nhiều sơ hở. Tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai, tài sản công, những dự án để đất hoang hóa nhiều năm gây bức xúc chưa được khắc phục...

Nêu bật các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, không chỉ hướng tới đối tượng cán bộ, công chức, việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần hướng tới thế hệ trẻ. Để làm được việc này, cần sớm có những biện pháp đưa việc giáo dục vào chương trình ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề và cả các trường phổ thông trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu, trong từng cơ quan, đơn vị, phải tích cực, chủ động rà soát, triển khai các biện pháp phòng ngừa ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, phải tham mưu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội, nhất là các cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư, ngân sách, đất đai, xây dựng, công tác cán bộ... 

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đề nghị siết chặt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra, truy tố, xét xử. TP luôn coi trọng công tác thanh tra công vụ hàng năm, do đó, các địa phương, đơn vị phải đặc biệt quan tâm việc thanh tra công vụ đối với cán bộ, công chức để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là hạn chế tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực... Cùng với đó, phải nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

“Tình hình tội phạm tham nhũng trong thời gian tới dự báo còn diễn biến phức tạp, với tính chất và mức độ tinh vi hơn. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng trong thời gian tới, CATP Hà Nội đề xuất 4 nhóm giải pháp. Một là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử. Hai là, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Ba là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng. Bốn là, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, quản lý cán bộ.”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội: Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để cán bộ không sa ngã

“Cần tiếp tục tăng mức độ công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan công quyền, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu như: quản lý kinh tế, tài chính, xây dựng cơ bản, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo... để người dân có điều kiện thực hiện quyền giám sát của mình. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các đoàn thể... trong phát hiện và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách tiền lương, phụ cấp và các chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, công chức để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, không bị dao động, sa ngã trước cám dỗ, mua chuộc...”