Hà Nội đất trăm nghề và nguy cơ mất nghiệp

(ANTĐ) - Hà Nội hiện có 1.264 làng nghề, là một thành phố có lượng làng nghề tập trung đông đúc nhất cả nước. Lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm tại các khu vực nông thôn từ các làng nghề là điều không thể phủ nhận. Song, cũng từ lâu, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nóng bỏng, Thủ đô Hà Nội mở rộng, mặc nhiên trở thành mảnh đất trăm nghề, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm càng trở nên cấp thiết.

Hà Nội đất trăm nghề và nguy cơ mất nghiệp

Bài 1: Ô nhiễm - Câu chuyện cũ

(ANTĐ) - Hà Nội hiện có 1.264 làng nghề, là một thành phố có lượng làng nghề tập trung đông đúc nhất cả nước. Lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm tại các khu vực nông thôn từ các làng nghề là điều không thể phủ nhận. Song, cũng từ lâu, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nóng bỏng, Thủ đô Hà Nội mở rộng, mặc nhiên trở thành mảnh đất trăm nghề, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm càng trở nên cấp thiết.

Ô nhiễm trầm trọng

Có nghề là có ô nhiễm, đó là đánh giá của hầu hết các nhà chuyên môn, nghiên cứu hay các cơ quan quản lý làng nghề. Từ các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, dược liệu đến các làng nghề ươm tơ, dệt lụa, thủ công mỹ nghệ..., tùy mức độ và tính chất mà mỗi làng nghề gây ra những loại ô nhiễm khác nhau đối với sức khỏe con người và với môi trường. Hà Nội hiện tại đã có trên 1 nghìn làng nghề, trong đó, không ít làng nghề ô nhiễm đã ở mức báo động. Nhiên liệu được sử dụng tại hầu hết các làng nghề là than củi và than đá nên ô nhiễm môi trường không khí do việc sử dụng nhiên liệu đốt thông qua các sản phẩm cháy: bụi, hơi nước và một số khí: SO2, CO2,... hết sức phổ biến.

Ngoài ra, các chất thải độc hại khó phân hủy cũng là một vấn đề môi trường nóng bỏng tại các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại, dệt nhuộm và thuộc da. Hay, các chất thải rắn chứa nhiều chất độc hại có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước, hầu hết đều được thu gom thủ công và đem chôn lấp đơn giản ở các bãi chôn lấp hở, thậm chí thải bỏ bừa bãi ngay tại nơi sinh hoạt hay vứt trôi nổi trên các con mương, con sông xung quanh làng.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ Thụy ứng, Hòa Bình, Thường Tín năm 2003 đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận danh hiệu Làng nghề lược sừng. Ngoài lược sừng, làng Thụy ứng còn nổi tiếng với các hàng thủ công mỹ nghệ làm từ sừng trâu, sừng bò và cộng thêm nghề làm da trâu, da bò. Nghề đã góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê, nhà cao tầng, biệt thự đến các tiện nghi sinh hoạt đều nhờ có nghề mà mua sắm được.

Song, sự đánh đổi ấy có thể coi là quá đắt khi hiện nay, người dân Thụy ứng đang hàng ngày hàng giờ phải hít thở bầu không khí đặc quánh, ngột ngạt đến tức thở. Khách từ nơi khác lần đầu đặt chân đến làng cũng phải rùng mình vì thứ mùi hôi thối từ sừng, móng, da trâu, da bò để lâu.

Người dân đến các lò mổ thu mua móng, sừng, da trâu, da bò sau đó mang về làng chế biến. Móng, sừng được rửa  sạch, ngâm tẩy hóa chất, mài... rồi sau đó mới chế tác thành các sản phẩm khác nhau: lược, đũa, đồ trang trí... Còn da trâu, da bò, sau khi mua về sẽ được ngâm ướp rồi xuất đi các nơi khác phục vụ cho ngành thuộc da. Chính vì vậy, làng Thụy ứng đang phải gồng mình sống trong bầu không khí rất ô nhiễm.

Làng chế biến nông sản Dương Liễu- Hoài Đức, Hà Nội thì lại ô nhiễm bởi nước thải từ việc làm miến, nấu mạch nha và thứ mùi chua ung ủng của bột sắn, bột dong riềng. Nước thải từ làng nghề Thụy ứng và Dương Liễu đều không được xử lý mà thải luôn ra mương hay cống thoát nước quanh làng.

Địa phương không thể tự giải quyết

Hầu hết các địa phương đều thấy được vai trò của làng nghề đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm, giảm tệ nạn xã hội nên không ít địa phương đã quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, các cách giải quyết đều chỉ dừng lại ở mức độ tạm thời, việc phát triển làng nghề bền vững với môi trường dường như chưa nơi nào làm được. Trao đổi xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, ông Nguyễn Danh Bảo cho biết: “Dương Liễu có nghề làm miến và chế biến nông sản từ rất lâu rồi nhưng cho đến nay, các phương pháp sản xuất vẫn hoàn toàn thủ công, nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Vì vậy, chất thải đã khiến làng nghề trong tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm, nhất là nước thải và bã củ dong riềng để làm miến không biết xử lý thế nào”.

Theo ông Nguyễn Danh Bảo, vào mùa làm miến, trung bình mỗi hộ sản xuất ở Dương Liễu làm tới 5-7 tấn/ngày, lượng nước thải và bã thải ra rất lớn, chất đống tại sân, cổng, đường làng... bốc mùi khó thở. Cách đây mấy năm, Công ty TNHH Mặt Thủy Xanh được đầu tư xây dựng để đảm nhiệm vai trò xử lý nước thải cho cụm khu vực: Minh Khai, Cát Quế và Dương Liễu, nhưng không đạt kết quả, họ cũng “bó tay” trong vấn đề xử lý nước thải của làng nghề. Ông Nguyễn Danh Bảo tâm sự: “Hàng năm xã cũng đã đầu tư bằng cách thuê khoán một đội dọn vệ sinh môi trường với số tiền 250 triệu đồng/năm để khơi thông cống, mương thoát nước nhưng không xuể, các cống vẫn ứ tắc dềnh lên, nhất là vào mùa làm miến, từ tháng 8 âm lịch trở đi”.

Nhiều nghề sẽ biến mất
Nhiều nghề sẽ biến mất

Theo ông Nguyễn Danh Bảo, địa phương cũng đã có các chuyên gia về nghiên cứu để xử lý vấn đề bã thải từ củ dong riềng, như nghiên cứu làm phân vi sinh, làm bã để trồng nấm... nhưng không thành công. “Vấn đề ô nhiễm ở Dương Liễu một mình địa phương không thể tự giải quyết được, tôi rất mong các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng quan tâm tìm ra hướng xử lý, không thì Dương Liễu rất nguy. Bởi, xã có đến hơn 12 nghìn dân nhưng tổng đất đai (đất ở, đất sản xuất, đất nông nghiệp) chỉ 410ha. Hơn thế nữa, diện tích đất nông nghiệp của xã đã nằm trong diện quy hoạch khu đô thị An Thịnh, tới đây, xã Dương Liễu sẽ hết đất nông nghiệp, người dân chỉ còn trông chờ vào làng nghề” - ông Bảo nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Danh Bảo - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, bà Vũ Thị Nghi cho biết: “Nghề làm lược sừng đã giúp người dân Hòa Bình có cuộc sống đầy đủ và khấm khá lên rất nhiều. Tiếng là làm nông nghiệp nhưng Hòa Bình đất chật người đông, diện tích đất cấy lúa không nhiều, chủ yếu sống bằng nghề. Song, ngược lại, chính nghề đã khiến bầu không khí, nguồn nước... và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng, một mình địa phương không thể tự giải quyết được. Trước mắt, chúng tôi đang vận động bà con đưa làng nghề ra khu tập trung song cũng chưa phải là giải pháp lâu dài”.

Ngân Tuyền

Bài 2: Lao động đi đâu nếu mất nghề?