Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17-3-1930 / 17-3-2020):

Hà Nội đang đứng trước vận hội mới

ANTD.VN - Theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo suốt 90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã có những cống hiến xứng đáng, thể hiện vai trò gương mẫu, dẫn đầu đối với cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội gắn biển công trình xây dựng trụ sở cơ quan Thành ủy Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 90 năm   Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17-3-1930 / 17-3-2020)

Có thể hình dung 90 năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội trải qua 2 thời kỳ. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Thời kỳ xây dựng Thủ đô trong hòa bình. Đảng bộ thành phố Hà Nội đã cùng với nhân dân đoàn kết một lòng vượt qua bao khó khăn, thách thức để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là trái tim của cả nước. 

Phát huy tốt vị thế dẫn đầu

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Hà Nội những tình cảm quý mến, lòng tin yêu đặc biệt, đồng thời kỳ vọng to lớn về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và nhân dân Thủ đô. Ý thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm là Thủ đô, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn thực hiện tốt vai trò gương mẫu, dẫn đầu đối với cả nước. Minh chứng rõ nét vị trí, vai trò của Thủ đô, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc cho hay, tính từ dấu mốc ngày 17-3-1930, Thành ủy Hà Nội được thành lập do đồng chí Đỗ Ngọc Du làm Bí thư, Đảng bộ Hà Nội đã gắn bó mật thiết với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và phát triển phù hợp với một đô thị lớn, gắn đấu tranh với khôi phục, phát triển tổ chức đảng.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lúc này, Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Đảng bộ Hà Nội có vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ các cấp đã lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện các chủ trương lớn. Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trong thành tựu chung của cả nước, có sự đóng góp lớn của Thủ đô Hà Nội trên tất cả các phương diện, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Làm rõ chặng đường vẻ vang của Đảng bộ thành phố Hà Nội, TS. Đặng Kim Oanh - Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, suốt 90 năm qua (1930-2020), Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng phát huy cao độ truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô, lập nên biết bao kỳ tích.

“Trong giai đoạn 2015-2019, hàng năm, Hà Nội đóng góp cho đất nước khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia; 20% ngân sách; 20% giá trị hàng hóa xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Hà Nội gần 10%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước. Riêng năm 2019, Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua: Hoàn thành 22/22 chỉ tiêu, trong đó, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch” - TS. Đặng Kim Oanh nêu dẫn chứng.

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), việc nhận thức được tầm quan trọng của Đảng bộ Hà Nội trong các thời kỳ cách mạng 90 năm qua để thể hiện vào trong thực tế lãnh đạo cách mạng là một yêu cầu bức thiết, góp phần cùng toàn Đảng hoàn thành trọng trách dân tộc giao phó. GS. TS Mạch Quang Thắng cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ðảng ta luôn xác định “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt”. Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ những tri thức, thông tin, do vậy, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Hà Nội cũng như nhân dân rất cần được giáo dục, tôi rèn bản lĩnh chính trị, không hoang mang dao động trước những khó khăn, biến cố phức tạp để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu và con đường phát triển của đất nước.

“Xây dựng và chỉnh đốn Đảng bộ thành phố Hà Nội còn là ở chỗ luôn luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội, rất cần nhiều đến năng lực lắng nghe để cải tiến. Thủ đô Hà Nội là một trong những địa bàn tập trung chất xám lớn nhất của đất nước. Không thường xuyên nâng cao năng lực, kỹ năng lắng nghe thì vừa lãng phí chất xám, vừa không thể đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, vừa không thể đưa ra và thực thi phương thức lãnh đạo phù hợp hoặc tối ưu trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể” - GS.TS Mạch Quang Thắng nêu giải pháp.

Cũng chú trọng vai trò của hoạt động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, lãnh đạo Đảng bộ thành phố Hà Nội qua các thời kỳ nhận thức rõ, Đảng bộ mạnh quyết định thành công của sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển thành phố, vì vậy, cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt. Đảng bộ Hà Nội luôn luôn là Đảng bộ mạnh cả về trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chính phong trào cách mạng của quần chúng trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới là thước đo sự vững mạnh và lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ Hà Nội.

Điều đó cũng góp phần rất quan trọng vào sự vững mạnh của toàn Đảng. Do vai trò, vị trí của Hà Nội mà công tác đào tạo và trưởng thành của đội ngũ cán bộ, Đảng viên của Đảng bộ có nhiều thành công cả về trình độ và năng lực tổ chức thực tiễn. Từ yêu cầu cao trong lãnh đạo, chỉ đạo mà Xứ ủy (trước năm 1945) và Trung ương Đảng đã phân công các cán bộ ưu tú trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ Hà Nội như các đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Hoàng Tùng, Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Nguyễn Lam, Lê Văn Lương, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thế Duyệt, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị và nhiều đồng chí khác. Có những đồng chí quê hương Hà Nội đã trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Đỗ Mười; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ được viết tiếp trên hành trình dài vô tận. Trong giai đoạn cách mạng mới, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc nhận định, cùng với toàn Đảng và cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đang đứng trước vận hội mới để phát triển, đồng thời, phải vượt qua những thách thức, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, xứng tầm với vị thế của đất nước, với khu vực và trên thế giới.