![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận tại hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị giao ban Quý I/2025 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã chiều 3-4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị nên trong Quý I/2025, Hà Nội đạt mức tăng trưởng 7,35% và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, thành phố đã sắp xếp lại các tổ chức, đơn vị trực thuộc, nhất các sở, ngành; các đơn vị sau sắp xếp đã rất nhanh đi vào hoạt động ổn định. “Có thể nói, mục tiêu giữ vững sự ổn định và phát triển, không làm gián đoạn hoạt động của người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị đã đạt được” – đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Đối với vấn đề sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng xã, phường, thị trấn lớn nhất cả nước, do đó cần có sự đồng thuận và thống nhất về mặt tư tưởng trong triển khai thực hiện.
![]() |
Quang cảnh hội nghị |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trung ương đã có chỉ đạo, trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, trước mắt giữ nguyên về mặt biên chế và sẽ giảm dần trong 5 năm.
Đối với Hà Nội, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng đề án liên quan việc sắp xếp, chế độ chính sách tổng thể để đáp ứng, đảm bảo “không có ai không được quan tâm”, nhất đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp, sáp nhập.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã giao Đảng ủy UBND thành phố chủ trì công việc này, phương án sắp xếp phải bảo đảm vừa đúng chỉ đạo của Trung ương, vừa giữ được những đặc trưng văn hóa, lịch sử của Thủ đô, đồng thời, bảo đảm không gian phát triển tốt nhất gắn với quy hoạch cho từng địa phương.
Nhiệm vụ đặt ra đối với các quận, huyện, thị xã trong những ngày tới là rà soát, thống kê tổng thể đội ngũ cán bộ, để cùng với các cơ quan thành phố hình thành được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ cán bộ toàn thành phố, làm căn cứ để thực hiện việc phân công, bố trí, sắp xếp công việc phù hợp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các quận, huyện đề xuất phương án cụ thể về việc sắp xếp với tinh thần đảm bảo công tâm, khách quan, không có tiêu cực trong sắp xếp các đơn vị hành chính và bố trí, sắp xếp cán bộ.
Hai phương án đặt tên xã, phường mới sau sắp xếp
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, theo dự kiến của Trung ương, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50%. Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, nếu thực hiện theo tỷ lệ trên, sẽ giảm xuống còn 263 đơn vị cấp xã.
Về đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp, dự thảo phương án của Hà Nội đang đề xuất theo 2 cách.
Một là đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...
Hà Nội cũng đề xuất cách đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hoá lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám)…
Dự thảo Phương án cũng nêu các nguyên tắc xác định trung tâm hành chính. Theo đó, thành phố sẽ lựa chọn trung tâm hành chính của một trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay là trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới.