Hà Nội: Đa số các lớp học thêm được mở đều do học sinh tự nguyện

ANTD.VN - Tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay, 9-1, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã tham luận sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 10 – CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, sau 5 năm thực hiện chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị, đến nay Hà Nội đã đạt được những kết quả rất nổi bật. 100% quận/ huyện/ thị xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì kết quả tốt. Đến năm 2015, tỷ lệ xã phường, thị trấn của Hà Nội đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo chuẩn mức độ 2 lên tới 98,8%; số xã phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 1 đạt 100%, mức độ 2 đạt 95,9%, mức độ 3 đạt 70%; phổ cập giáo dục bậc Trung học tính đến hết năm 2014 đạt 95,3%...

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội sẽ tập trung vào triển khai các giải pháp đối với vấn đề học sinh trái tuyến, học thêm và lạm thu vốn đang là vấn đề có nhiều bức xúc hiện nay.

Hà Nội sẽ tiếp tục quản lý chặt vấn đề dạy thêm, học thêm của học sinh (ảnh minh họa)

Cụ thể, để giảm được số lượng học sinh trái tuyến trong công tác tuyển sinh, Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. Trước đây, công tác tuyển sinh vào các khối này được thực hiện theo phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh dẫn tới số học sinh trái tuyến nhiều nhưng từ năm học 2016-2017, thông qua hình thức tuyển sinh trực tuyến, số học sinh trái tuyến trên toàn thành phố đã giảm đáng kể, nhất là ở các huyện ngoại thành.

Cùng với giải pháp này, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với phường, xã trong công tác điều tra cơ bản, phân bổ các địa bàn dân cư hợp lý cho từng tuyến tuyển sinh; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường; tăng cường công tác tuyên truyền về tuyển sinh trực tuyến; tiếp tục thực hiện 4 rõ trong công tác tuyển sinh: rõ tuyến tuyển sinh, rõ thời gian tuyển sinh, rõ chỉ tiêu tuyển sinh và rõ trách nhiệm tuyển sinh.

Về vấn đề học thêm, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện trên toàn thành phố có 121 cơ sở thuộc THPT được Sở GD-ĐT cấp phép dạy thêm học thêm, 353 cơ sở thuộc THCS được Phòng GD-ĐT cấp phép. Năm qua, Sở GD-ĐT đã tiến hành 32 lần thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở này.

Qua kiểm tra, hầu hết các trường và các cá nhân tổ chức dạy thêm đều chấp hành tốt quy định, việc tổ chức các lớp học thêm đều do học sinh, phụ huynh học sinh tự nguyện, có nhu cầu; kinh phí đóng góp được thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và giáo viên dạy thêm, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi và đúng quy định.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, cũng phát hiện một số sai phạm và đã đình chỉ giấy phép dạy thêm học thêm của 3 trường (1 trường THPT, 2 trường THCS) quản lý chưa tốt công tác này, nhắc nhở và chấn chỉnh một số đơn vị khác…

Về tình trạng lạm thu, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngay từ đầu năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT và các Phòng GD-ĐT đã công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để học sinh và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định, đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác này. Từ 15-8 đến 31-10-2016, Sở và các phòng GD-ĐT đã nhận được 185 thông tin phản ánh, qua xác minh có một số thông tin phản ánh về thu chi là có thực.

Phòng GD-ĐT đã yêu cầu Hiệu trưởng những trường có hiện tượng này dừng ngay việc thu sai quy định và phải trả lại cho những phụ huynh đã nộp. “Các tồn tại chính trong công tác này chủ yếu là do việc quy định nội dung chi và tỷ lệ chi chưa đầy đủ trong quy chế chi tiêu nội bộ, quy trình triển khai các khoản thu khác ở một số trường chưa thực hiện đúng hoặc hiểu chưa đầy đủ, việc thỏa thuận thống nhất với phụ huynh ở một số trường mang tính hình thức, chưa đảm bảo khách quan, tự nguyện của cha mẹ học sinh…” – ông Nguyễn Hữu Độ dẫn chứng.