Hà Nội cùng cả nước sẽ sớm trở lại náo nhiệt như vốn có

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mấy hôm nay tôi liên tục bị những người cả quen lẫn sơ nhắn tin, gọi điện hỏi xin một cái thẻ cộng tác viên của tòa soạn để “đi qua các chốt kiểm dịch cho tiện” và “ra đường cho yên tâm”. Và khi tôi trả lời không có, họ thở dài sườn sượt thất vọng vô cùng, hẳn là tiếc cho cú điện thoại gọi sai địa chỉ.
(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những trò láu cá phá bĩnh

Dịch dã ngày càng căng thẳng, hàng ngày chỉ đọc báo, đếm số lượt người nhiễm bệnh thôi đã thấy đầy âu lo rồi. TP. HCM và các tỉnh phía Nam mỗi ngày có tới vài nghìn ca F0. Hà Nội lác đác các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng. Cứ âm ỉ như vậy, không siết cho thật chặt, không kiểm soát thật mạnh thì chừng nào những con số kia mới dừng lại?

Mấy hôm trước, mạng xã hội truyền tay nhau đoạn clip “Gặp nhau cuối năm 2016”, đến đoạn Táo Giao thông (do nghệ sĩ Chí Trung đóng) lên báo cáo Ngọc Hoàng, khi bị hỏi về chuyện giao thông ùn tắc, Táo Giao thông bảo, “sợ đường thông hè thoáng quá dân không chịu nổi”. 5 năm trước, đó thực là chuyện cười. 5 năm sau, cái chuyện “không chịu được” ấy tưởng như rất hoang đường đã thành sự thật. Ngày thường, tôi từ nhà ở quận Tây Hồ đến tòa soạn ở quận Hoàn Kiếm phải mất 30 phút, thì những ngày dịch dã này chỉ hết chưa đầy 15 phút. Có những đoạn đường chỉ có mình tôi, Hà Nội vắng lặng đến xót xa.

Giãn cách xã hội là cần thiết trong thời điểm này khi mà biến chủng Delta lây lan nhanh như gió. Chẳng ai muốn thay đổi thói quen, sở thích, nhưng những lúc “nước sôi lửa bỏng” thế này, gạt đi những thói quen của bản thân để chấp nhận một nếp sống tạm thời mới cũng là điều cần làm và nên làm. Vì cộng đồng và tất cả những gì cộng đồng đang làm cũng là để bảo vệ cho từng cá nhân. Thế mà đâu đó, vẫn có người muốn đi “cửa sau” để có một tấm giấy thông hành, nhỡ có di chuyển lung tung cũng yên tâm, chẳng ai bắt phạt. Rồi trên mạng xã hội, có cả những nhóm vài trăm nghìn thành viên cùng nhau nghĩ những “mẹo vặt ra đường mùa dịch”. Nào là treo một túi rau ở ghi đông xe đạp thì đi thoải mái. Nào là cầm theo sổ y bạ để tiện đường khai báo đi khám bệnh. Nào là đi vào lúc giữa trưa, khi các chốt dịch ngơi tay, giao ca...

Đoàn kết sẽ thành công

Tôi thật sự kinh ngạc khi các “tín đồ” thể dục buổi sáng truyền nhau công thức dậy từ nửa đêm, từ lúc 2-3h sáng để đi tập thể dục. Giờ đó thì sẽ không ai kiểm tra, khi được hỏi thì viện đủ lý do... Có bác chắc cũng ngoài 70 tuổi khi đang thong dong quần đùi áo lót đi bộ trên vỉa hè, không đeo khẩu trang, lực lượng chức năng đến nhắc nhở thì thản nhiên mắng: “Chúng mày vô duyên. Tao đi thể dục là việc của tao!”.

Ở nhà khó đến thế sao? Khó chứ, nhất là những người xưa nay có thói quen “bay nhảy”. Nhưng hãy nhìn vào số lượng các ca bệnh nặng mỗi ngày. Hãy nhìn vào những bác sĩ mấy tháng nay phải làm việc liên tục mười mấy tiếng một ngày để giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Họ còn không được cả về nhà. Có những bác sĩ mẹ mất đột ngột mà không thể về để chịu tang. Có sinh viên ở tận Hải Dương tình nguyện vào TP.HCM chống dịch, bố ở quê qua đời mà cũng chỉ biết vừa làm việc vừa vái vọng về hướng Bắc. Có những y tá con còn ẵm ngửa phải gửi cho ông bà để yên tâm công tác.

Mấy hôm nay, có rất nhiều người không thể ngăn được cảm xúc của mình khi nhìn những tấm ảnh, những đoạn clip về dòng người bấy lâu nay tha hương nơi đất khách, khi dịch dã căng thẳng, công ăn việc làm không có, nhà thì thuê trọ, khó khăn chồng chất khó khăn. Dòng người rùng rùng rời khỏi Sài Gòn, Bình Dương, từng chiếc xe máy chạy nối đuôi nhau để về khắp các ngả quê. Phận người tha hương vốn đã nhọc nhằn. Phận người tha hương trong dịch bệnh lại còn nhọc nhằn gấp trăm nghìn lần. Đi về nhà bằng xe máy lần này không lãng mạn như clip mấy chục triệu view của rapper Đen Vâu và JustaTee phát hành vào dịp Tết vừa qua, nhưng Đen Vâu thì một lần nữa lại nói đúng: “Bước chân ra là sóng gió, chỉ có nhà mãi an yên/ Ngoài kia phức tạp, như rễ má và dây mơ...”.

Còn chúng ta, chúng ta vẫn đang yên ổn dưới mái nhà của chính mình, rồi còn có nỗi buồn nào đáng để kể nữa mà vẫn phải nhọc công, nhọc sức nghĩ mưu chống đối bằng cách treo vài bìa đậu, xách mớ rau làm cớ ra đường? Chỉ thị 16 cùng những văn bản của Hà Nội đã ban hành rõ, những nhu cầu cấp bách của người dân như đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đến bệnh viện, đi tiêm vaccine, những người làm công vụ... vẫn được đáp ứng. Cả Hà Nội cùng cố gắng, tại sao không?

Sáng qua lang thang trên mạng, bắt gặp bức ảnh mà ai đó đã chỉnh sửa với phần khẩu hiệu: “Quyết giữ đường vắng/Để náo nhiệt sớm về”. Cảm ơn ai đó đã nghĩ ra “slogan” này. Hà Nội cùng cả nước sẽ sớm trở lại náo nhiệt như vốn có. Chỉ cần, tất cả chúng ta đoàn kết, chung tay!