Hà Nội: Cụ ông 91 tuổi ăn 20 viên thuốc diệt chuột vì tưởng nhầm là kẹo

ANTD.VN - Thấy các viên thuốc diệt chuột loại Dethmor(Warfarin) có màu sắc bắt mắt, hương vị hấp dẫn, cụ ông 91 tuổi ở Hà Nội tưởng nhầm là kẹo nên ăn liền một mạch khoảng 20 viên…

Loại thuốc diệt chuột Dethmor có hình dạng và màu sắc dễ nhầm với kẹo

Sáng nay, 7-9, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin cho biết, cuối tháng 8 vừa qua, khoa hồi sức tích cực của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 91 tuổi, ở Hà Nội, vào viện giờ thứ ba sau khi ăn khoảng 20 viên thuốc diệt chuột loại Dethmor (Warfarin) do tưởng nhầm là kẹo.

Theo lời kể, sau ăn nhầm thuốc diệt chuột, bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt nhưng may mắn là người nhà phát hiện và đưa đến viện sớm trong những giờ đầu. Nhờ đó, bệnh nhân đã được các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, xét nghiệm và theo dõi sát chức năng đông máu cũng như tình trạng chảy máu trên lâm sàng, điều trị bằng chất giải độc đặc hiệu. Sau 5 ngày, bệnh nhân được ra viện và hồi phục hoàn toàn.

Bệnh viện 108 cảnh báo, Warfarin là chất chống đông máu sử dụng khá phổ biến trong y học, đồng thời còn được sử dụng làm thuốc diệt chuột. Tuy nhiên việc sử dụng rộng rãi loại thuốc diệt chuột này cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người, đặc biệt hiện trên thị trường có bán nhiều loại thuốc diệt chuột chứa warfarin được sản xuất dưới hình thức bắt mắt, hương vị hấp dẫn, dễ gây nhầm lẫn là đồ ăn.

Độc tính chủ yếu của warfarin là gây xuất huyết khi sử dụng quá liều hoặc phơi nhiễm với super warfarin có trong thuốc diệt chuột. Thông thường 1-2 ngày đầu sau uống, bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Tình trạng xuất huyết sẽ xảy ra sau 2-3 ngày, ở các mức độ khác nhau: chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ; nặng hơn có thể suy hô hấp, co giật, hôn mê…

Các bác sĩ nhấn mạnh, với những bệnh nhân uống nhầm loại thuốc diệt chuột này, việc điều trị chỉ có hiệu quả cao khi được đưa đến cơ sở y tế sớm trong 6h đầu. Nếu bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán muộn khi xảy ra các biến chứng chảy máu nội tạng: phổi, tiêu hóa, tiết niệu, ổ bụng, thần kinh trung ương thì tiên lượng xấu hơn rất nhiều.

Vì vậy, cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách giáo dục ý thức sử dụng và bảo quản thuốc diệt chuột an toàn hợp lý. Khi phát hiện người uống nhầm thuốc diệt chuột, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất và mang theo thuốc hoặc vỏ, nhãn mác loại thuốc đã sử dụng để được xử trí cấp cứu kịp thời.