Hà Nội: Công trình đầu tư trọng điểm chậm triển khai, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.

Ưu tiên sao vẫn chậm?

Tiếp tục phiên chất vấn sáng 9/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã tiến hành chất vấn về nội dung thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Gửi câu hỏi chất vấn đến Giám đốc Sở KH-ĐT, ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) cho rằng, trong các dự án chậm triển khai, có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố. Những dự án này được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu. Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân, giải pháp?

Trả lời ĐB, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, Thành uỷ, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt đối với những công trình trọng điểm của thành phố. Với 55 công trình trọng điểm đã được quyết nghị đã có 11 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành, 15 dự án đang tập trung chỉ đạo thi công, 12 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 7 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ các dự án trọng điểm, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết do vướng giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện có nguyên nhân từ việc tổ chức khảo sát, tư vấn thiết kế chưa sát thực tế nên phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn đến kéo dài dự án.

Về nguyên nhân khách quan, ông Đỗ Anh Tuấn cho hay, đối với những dự án có nguồn vốn ODA (các tuyến đường sắt) là dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chưa có tiền lệ trong việc tổ chức thực hiện thi công nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục.

Còn với những dự án PPP thì triển khai khá phức tạp. Từ những năm 2018-2019, phải dừng thanh toán theo Luật Tài sản công. Cho nên những nội dung liên quan đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ phát hành mời thầu phải dừng thực hiện.

Vừa qua, trên cơ sở rà soát đánh giá những tồn tại, hạn chế của những dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cũng đã rà soát rất kỹ phân kỳ những dự án, khả năng tổ chức thực hiện, chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 để tránh tình trạng kéo dài các dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông trả lời ý kiến đại biểu

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông trả lời ý kiến đại biểu

Kiên quyết thu hồi nếu chủ đầu tư không đủ năng lực

Liên quan đến các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất, ĐB Nguyễn Minh Tuân đặt vấn đề, việc thực hiện các kiến nghị giám sát và tiến độ thực hiện các dự án còn chậm. Vẫn còn phát sinh thêm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP đã ban hành các kế hoạch, đã chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm.

Kết quả, hiện 379 dự án đã có kết luận cụ thể, đề xuất phương án xử lý. Trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tưtích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Chỉ ra nguyên nhân của việc các dự án chậm triển khai, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, khách quan là do chính sách quy định liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; chờ rà soát theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp…

Nguyên nhân chủ quan, do nhận thức ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những tồn tại trên, Sở TN&MT sẽ cùng các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, báo cáo giám sát HĐND TP và kế hoạch của UBND TP, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì không thực hiện kết luận thanh tra. Với những dự án chủ đầu tư không liên hệ chính quyền địa phương, sau GPMB chưa đầu tư xây dựng, các ngành cần quyết tâm xử lý.

Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Thành phố đã giao Sở TN&MT chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần những dự án nào liên quan đến các quận, huyện, thị thì thành phố sẽ tập trung tháo gỡ để sớm triển khai thực hiện. Đối với những dự án mà nguyên nhân là do chủ đầu tư thì thành phố kiên quyết thu hồi.

“Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, đề nghị các địa phương báo cáo thành phố để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo Trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.