Hà Nội công bố số điện thoại đường dây nóng xử lý thông tin về lễ hội

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác lễ hội qua số điện thoại: 0869.295538. 

Hà Nội thường mở nhiều điểm trông xe miễn phí phục vụ nhân dân ở các điểm lễ hội

Nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 diễn ra an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô đón Tết, vui Xuân, khắc phục một số tồn tại của lễ hội năm 2019, tại văn bản số 5803/UBND-KGVX ngày 31/12/2019, UBND Thành phố yêu cầu hủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy về công tác tổ chức lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn như gò Đống Đa, Chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, đền Và, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, phủ Tây Hồ…

Niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại những điểm có lễ hội diễn ra để du khách thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, thăm quan di tích, dự lễ hội biết, thực hiện.

UBND TP cũng giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác lễ hội qua số điện thoại: 0869.295538; Đề xuất biểu dương, khen thưởng các đơn vị tổ chức tốt, phê bình, nhắc nhở các đơn vị để xảy ra sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội năm 2020, báo cáo UBND Thành phố. 

UBDN TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; trực tiếp chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn theo đúng quy định; Kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội; sắp xếp, bố trí các địa điểm đón tiếp hợp lý; đảm bảo an ninh trật tự an toàn, phòng chống cháy nổ, giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội; Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng tăng, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức.

Cần quy hoạch, sắp xếp lại khu dịch vụ đảm bảo tất cả các khu vực I của di tích không được kinh doanh ăn uống; xử lý triệt để các vi phạm về kinh doanh ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm; Đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng cường bố trí các thùng thu gom rác, bố trí khu vực vệ sinh thuận tiện, sạch sẽ; thực hiện công bố công khai quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội; quản lý đốt vàng mã đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ tại các di tích và lễ hội.

Đối với các đơn vị hoạt động lễ hội diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội; chấp hành nghiêm các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa...