Hà Nội có phố chuyên… ép biển số xe

ANTĐ - Dăm bảy năm nay, nhiều người Hà Nội hễ cần ép biển số xe máy- ôtô, lại tìm đến phố Nhà Hỏa.

Bôi keo silicon ở mặt ngoài của tấm biển, chống nước vào

Kể ra, chuyện lắp cái biển số cho xe cũng trải qua lắm giai đoạn. Ban đầu, cách đơn giản là đục 2 cái lỗ trên tấm biển số được cấp mới, rồi xiên thẳng ốc vít mà siết lại. Kiểu này vừa thiếu thẩm mỹ vừa kém bền. Lắm anh thợ kém đục lỗ trúng ngay các con số, làm sứt sẹo, che lấp; tấm biển không được che chắn, sau một thời gian “phơi mưa phơi nắng” thì cả dãy số mờ đi, trông bạc trắng…

Một thời gian sau, tấm biển kiểm soát được kê thêm một miếng thép mỏng phía sau để đỡ bị cong vênh khi không may xe đi sau tông phải. Tiếp đến là giai đoạn, tấm biển được đưa vào trong hộp sắt có viền trang trí bên ngoài: thôi thì đủ loại hoa văn uốn lượn do các cơ sở gia công tự nghĩ ra.

Anh Tuấn đang tô lại một tấm biển bị mờ sơn

Cuối cùng là giai đoạn, biển số xe được nhét vào trong hộp mi-ca, xuất hiện khoảng gần 10 năm trước và kéo dài cho tới hiện nay.

Giờ thì cứ đến bất cứ điểm cấp biển số xe nào của Hà Nội cũng có sẵn một đội quân ép biển chờ sẵn, chỉ cần chủ xe lấy biển kiểm soát ra là mời chào ríu rít. Tuy nhiên, nhiều người cầu kỳ vẫn cầm biển về phố Nhà Hỏa để lắp.

Cửa hàng ép biển số nổi tiếng nhất trên phố này là của anh Tuấn “miền Nam”. Cách đây 8 năm, một chàng trai nói giọng Sài Gòn tìm đến phố Nhà Hỏa, xin ngồi ké dưới gốc cây trước cửa số nhà 19, để làm nghề ép biển xe máy.

Hà Nội có phố chuyên… ép biển số xe ảnh 3 Hà Nội có phố chuyên… ép biển số xe ảnh 4
Để lắp biển số cho cân, người thợ có một tấm tôn mẫu, đột lỗ sẵn (ảnh phải)
Bôi keo silicon từng con ốc mặt sau của biển số xe.


Với cách ép biển mi-ca hoàn toàn khác lạ, một lượng khách lớn nhanh chóng tìm tới anh Tuấn. Thấy thế, một số cửa hàng trên phố rục rịch bắt chước, mở thêm, dần hình thành cả một dãy phố với 5-6 cửa hiệu ép biển số.

Sau này khách đông, anh Tuấn thuê thêm một ki-ốt nhỏ ở số 10 phố Nhà Hỏa, đồng thời gọi thêm 3 cậu thợ (đều là người họ hàng) từ miền Nam ra phụ việc. Mặc dù những chiếc hộp mi-ca giờ sản xuất đầy rẫy ngay tại Hà Nội, song anh Tuấn vẫn nhập hàng từ TP.Hồ Chí Minh ra để làm. Theo lý giải thì hàng gia công nơi đây trông đẹp và chất lượng hơn.

Quan sát quá trình anh Tuấn ép một tấm biển số xe mới hiểu vì sao nhiều khách đến cửa hàng của anh đông: Từ công đoạn tháo, rửa, sơn lại (đối với biển số xe cũ) cho đến việc đục lỗ, bắt vít, bôi keo, gò cạnh… đều được anh làm một cách thuần thục và hết sức cẩn thận.

“Làm sao khi tấm biển lắp vào xe trông phải thật thẩm mỹ, cân đối và chắc chắn. Đồng thời nếu như chủ xe không đâm, đụng thì nước mưa không thể vào biển trong khoảng thời gian ít nhất 2 năm”- anh Tuấn nói.

Một cửa hàng khác cũng chuyên ép biển số xe, trên phố Nhà Hỏa

Phố Nhà Hỏa dài 128m, đi từ ngã năm các phố Hàng Gà, Hàng Điếu, Hàng Phèn, Cửa Đông đến góc phố Đường Thành và Bát Đàn, thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue Feitshamel. Sau Cách mạng tháng Tám, phố được đổi tên là phố Nhà Hỏa. Sở dĩ có tên Nhà Hỏa là vì đoạn phố giáp đầu phố Hàng Điếu thuộc thôn Yên Nội. Thôn này vốn có ngôi đền Nhà Hỏa thờ thần Hỏa (nay là số nhà 30 phố Hàng Điếu), nên cũng được gọi là thôn Nhà Hỏa. Ở đền có quả chuông lớn để báo động khi có cháy. Hiện nay, đền Nhà Hỏa là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ thần Hỏa. Ngôi đền được xếp hạng Di tích lịch sử năm 1999.

Ngoài những cửa hàng chuyên ép biển số xe ra, thì phố Nhà Hỏa còn có khoảng dăm hàng rửa xe. Vì thế con phố chỉ dài vỏn vẹn hơn trăm mét này luôn tấp nập xe cộ ra vào.