Hà Nội có gần 6.000 di tích văn hóa, 149 bảo vật quốc gia

ANTD.VN -Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, Hà Nội hiện là cái nôi, là nơi gìn giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và tiêu biểu bậc nhất cả nước.

Lãnh đạo Hà Nội gặp mặt các đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di sản của Thủ đô

Chiều nay, 20-12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt các đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội năm 2017.

“8 nhất” và “6 biến” của Hà Nội

Trải qua nghìn năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội đã trở thành vùng đất hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của mọi miền đất nước, nơi gìn giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú. Đến nay, toàn thành phố có 5.922 di tích, phân bố tại tất cả các quận/ huyện.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội Tô Văn Động cho biết, di tích Hà Nội vô cùng đa dạng và có vị trí đặc biệt trong hệ thống di tích của Việt Nam, bao gồm: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, làng cổ, phố cổ. Đặc biệt, Hà Nội có 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia trong bảng danh mục bảo vật quốc gia, có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, nghệ thuật.

Đồng thời, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều bảo tàng tiêu biểu nhất cả nước, đang bảo quản và giới thiệu hàng nghìn bộ sưu tập quý giá về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội cũng có rất nhiều danh lam thắng cảnh – những di sản thiên nhiên, những làng nghề truyền thống và là những tài nguyên du lịch tiêu biểu.

Đồng thời, Hà Nội còn có không ít di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là lễ hội truyền thống ở các địa phương…

“Tất cả hội tụ, được sàng lọc, kết tinh tạo thành giá trị văn hóa cực kỳ đặc sắc của Thủ đô, trở thành niềm tự hào, là cốt cách, là giá trị bền vững của Hà Nội” – ông Động nói.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lưu Trần Tiêu đánh giá Hà Nội có số di sản nhiều nhất cả nước

Tán thành với Sở VH&TT Hà Nội, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam minh họa thêm, Hà Nội chiếm 1/8 tổng số di sản của cả nước, chiếm 1/3 trong tổng số các di sản đã được xếp hạng di sản quốc gia… Những con số đó chứng minh rõ ràng Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa di sản văn hóa của cả nước.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nêu rõ, trong lĩnh vực di sản văn hóa, Bộ này đã thống kê Hà Nội có tới 8 cái nhất, nhiều cái nhất nhất so với cả nước.

“Vấn đề bây giờ là bảo tồn và phát huy làm sao để thành phố có thể biến di sản thành tài sản, biến văn hóa thành hàng hóa, biến tài nguyên thành tài chính, biến nguồn lực thành động lực phát triển, biến môi trường thành thị trường, cuối cùng phải biến giá trị thành giá cả.

Nếu làm được như vậy thì Hà Nội không chỉ có tiềm năng nhất mà sẽ giàu mạnh nhất” – bà Liên chỉ ra “6 biến” mà Hà Nội cần làm.

Bảo tồn di sản là lĩnh vực nhiều trăn trở

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, di sản văn hóa là thành phần quan trọng nhất trong nguồn tài sản văn hóa của mỗi dân tộc, không chỉ là giá trị truyền thống lịch sử mà còn là nguồn lực quan trọng để hội nhập và phát triển.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước cũng như thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi gặp mặt, chiều 20-12

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể các nhà khoa học, các tập thể, cá nhân - những người đang ngày đêm miệt mài, cống hiến để góp phần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo được những ấn tượng sâu sắc và hình ảnh tốt đẹp về bản sắc văn hóa của Thủ đô.

Đặc biệt, công tác này nhận được sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân, qua đó đã góp phần gìn giữ và phát huy tốt vai trò là cái nôi của văn hóa, di sản tiêu biểu bậc nhất của cả nước.

Dù vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội hiện cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế như số lượng di tích xuống cấp nhiều (khoảng 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng); hay nhiều nơi chưa coi trọng công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, rồi việc kiểm tra giám sát trong lĩnh vực này chưa thường xuyên; hiệu quả quản lý của một số địa phương còn yếu kém… Đây là vấn đề mà thành phố và nhân dân Thủ đô đều rất trăn trở.

Tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần xác định rõ trách nhiệm của mình với Thăng Long Hà Nội và nhân dân cả nước, xác định rõ trách nhiệm của mình với quá khứ và tương lai.

Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động về lĩnh vực này cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn để các tầng lớp nhân dân cùng thấu hiểu sâu sắc.

Điều quan trọng hơn nữa là phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực này; rà soát hiện trạng các di sản văn hóa để khôi phục, giữ gìn và phát huy, không để lãng quên các giá trị, di sản văn hóa.

Cùng đó, thành phố cũng sẽ tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, huy động các nguồn lực xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa…

Về các kiến nghị của các đại biểu nêu ra tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp thu và giao cho các sở ban ngành, cơ quan chức năng của thành phố xem xét nghiên cứu, giải quyết cụ thể.