Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV

Hà Nội chủ động vượt khó

ANTĐ - Hôm qua (1-7), kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV chính thức khai mạc. Theo đánh giá của Chủ tịch HĐND TP Hà Nội  Ngô Thị Doãn Thanh, TP đã vượt lên những thách thức, chủ động khắc phục có hiệu quả những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn chung của cả nước.

Hà Nội chủ động vượt khó ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội 
(đứng giữa) cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu HĐND bên lề phiên khai mạc


Đảm bảo 3 mục tiêu 

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, kỳ họp thứ 7 khóa XIV diễn ra vào thời điểm có nhiều ý nghĩa. Bắt đầu từ 1-7, Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, cho phép áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù về xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô.

“Năm 2013, với tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, thành phố đã vượt lên những thách thức, chủ động khắc phục có hiệu quả những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn chung của cả nước, đảm bảo 3 mục tiêu tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, an sinh xã hội tốt hơn”, bà Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá. 

Cũng trong phiên buổi sáng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, mặc dù kinh tế - xã hội của Thủ đô 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn chậm và còn một số hạn chế, yếu kém. Cụ thể là, tăng trưởng còn thấp so với kế hoạch năm. Tỷ lệ thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và so với dự toán. Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục đình trệ, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng chậm được giải quyết. Lãi suất ngân hàng tuy giảm, nhưng dư nợ tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... 

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới và kinh tế trong nước chậm phục hồi, còn nhiều yếu kém nội tại. Song nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số ngành, cấp giải quyết công việc còn chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động sáng tạo; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; sự phối kết hợp của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong một số công việc còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

Thời gian tới, dự báo kinh tế tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định: “Với mục tiêu tăng trưởng từ 8-8,5%, trong những tháng còn lại, UBND TP sẽ tập trung vào một số khâu đột phá. Cụ thể là hỗ trợ thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; kiểm soát lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh đầu tư, thu ngân sách và giải ngân xây dựng cơ bản; đẩy nhanh công tác quy hoạch, quản lý trật tự, xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn mới...”.

Hà Nội chủ động vượt khó ảnh 2
Nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang được TP Hà Nội triển khai quyết liệt

Quan tâm hơn tới doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chiều 1-7, các ĐB HĐND TP đã thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Dự báo về kịch bản tăng trưởng của Thủ đô, ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm) đưa ra hai kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể đạt bằng với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Kịch bản thứ 2 có nhiều khả năng hơn là khi Chính phủ điều hành linh hoạt hơn, cởi mở hơn và TP Hà Nội biết tận dụng cơ hội này thì kết quả tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể đạt trên 8%. 

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm giảm, khả năng tổng dự toán thu cả năm không đạt. Chi ngân sách tăng cả ở chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên. Dự báo cuối năm cho thấy xuất hiện một loạt yếu tố tăng chi, như thực hiện Luật Thủ đô, quy hoạch, nông thôn mới, GPMB... sẽ bội chi rất lớn. Trong khi đó, tổ chức bộ máy tiếp tục “phình ra”. Ông Nguyễn Hoài Nam cũng chỉ ra rằng: “Doanh nghiệp “ốm yếu” không hấp thụ được nguồn vốn, bất chấp việc lãi suất cho vay giảm là điều đáng báo động. TP cần quyết liệt hơn, quan tâm hơn trong việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là đối tượng thích ứng nhanh với tái cơ cấu của nền kinh tế, thích ứng nhanh với thị trường, giải quyết được việc làm cho số đông người lao động”.

Hà Nội chủ động vượt khó ảnh 3

“Mỗi chúng ta, trên cương vị công tác của mình, hàng ngày cần phải tự đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã làm hết bổn phận, trách nhiệm của mình hay chưa? Chúng ta có thể làm tốt hơn, làm nhiều hơn những việc mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô yêu cầu hay không? Và nghiêm khắc hơn nữa là câu hỏi: Liệu chúng ta có cản trở sự phát triển của thành phố hay không? Nếu mỗi người chúng ta mong muốn thực sự được cống hiến, thực sự vì Đảng, vì dân thì phải luôn luôn trăn trở với những câu hỏi đó”.

Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,67%, trong đó, dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,46% và nông nghiệp tăng 2,95%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,3%, thấp hơn mức 4,8% của 6 tháng đầu năm 2012. Đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách vẫn được đảm bảo, giải ngân ước đạt 42,3% kế hoạch. Thu ngân sách ước đạt 62.635,9 tỷ đồng, đạt 38,8% dự toán, chi ngân sách đạt 23.735,46 tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán năm...