Hà Nội chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19 (1): Kiên định giữ vững thành quả kiểm soát dịch trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 mới ở Hà Nội những ngày qua đang có xu hướng tăng cao với số ca mắc mới nhiều ngày liền ở mức 3 con số, cao hơn nhiều so với trước đây khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Những biện pháp ứng phó của thành phố được các chuyên gia đồng tình, cho rằng cần thiết và phù hợp với dịch bệnh trong tình hình mới hiện nay.

Lời tòa soạn: Trước diễn biến mới, phức tạp và khó lường của tình hình dịch Covid-19 với các ca nhiễm mới tăng cao, xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng, TP Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã chủ động, linh hoạt ứng phó với quyết tâm và nỗ lực bảo vệ bằng được sự an toàn của Thủ đô - trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình dịch bệnh ở thành phố có những diễn biến đáng lo ngại

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình dịch bệnh ở thành phố có những diễn biến đáng lo ngại

Trước bài toán F0 trong cộng đồng gia tăng đáng lo ngại

Theo các số liệu thống kê, tình hình dịch bệnh trên cả nước và TP Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới đang gia tăng khá mạnh. Tại thành phố, tính từ ngày 11-10 đến nay, bình quân mỗi ngày phát sinh hơn 60 ca F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Đặc biệt, những ngày gần đây, số ca F0 mới ghi nhận mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội đều tăng ở mức 3 con số, trong đó từ 18 giờ ngày 14-11 đến 18 giờ ngày 15-11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 289 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là số ca mắc bệnh Covid-19 trong 24 giờ cao nhất từ trước tới nay ở Hà Nội, cao hơn gấp đôi số ca mắc mới trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24-7 đến ngày 21-9-2021.

Trước đó, trong đợt giãn cách xã hội lần 1 (từ ngày 24-7 đến ngày 7-8), TP Hà Nội ghi nhận trung bình 71,2 ca/ngày thì đến giai đoạn giãn cách lần 2 (từ ngày 8 đến ngày 22-8), trung bình thành phố ghi nhận 56,8 ca/ngày. Tiếp đó, giai đoạn giãn cách lần 3 (từ ngày 23-8 đến ngày 6-9), trung bình 71 ca/ngày và đến giai đoạn giãn cách lần 4 (từ ngày 7-9 đến ngày 15-9), số ca mắc trung bình được ghi nhận trong ngày đã giảm mạnh còn khoảng 30 ca/ngày (chủ yếu trong khu cách ly và phong tỏa). Từ ngày 15-9 đến ngày 19-9, trung bình số ca mắc mỗi ngày giảm xuống trên dưới 20 trường hợp mỗi ngày.

Bên cạnh số trường hợp mắc Covid-19 đang gia tăng rất cao, ở mức 3 con số mỗi ngày, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vaccine mắc SARS-CoV-2 có xu hướng tăng nhanh. Toàn TP Hà Nội đang có 12 chùm ca bệnh lây nhiễm phức tạp và vẫn còn hơn 120 điểm phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần tự giác, tự quản phòng, chống dịch bệnh, chỉ khi người dân vào cuộc thật sự, tiếp tục phòng, chống dịch từ trong gia đình, tới từng ngõ, phố thì thành phố mới có thể yên tâm”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Dự báo, số ca F0 phát sinh trong những ngày tới ở TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao do các nguồn lây đã tồn tại trong cộng đồng và nhiều người dân trở về từ các địa phương có dịch mà chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Không ít người dân có tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là đối với những người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19. Trong khi đó, chủng Delta dễ lây lan và có thời gian ủ bệnh ngắn, những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 vẫn có thể nhiễm bệnh và làm lây lan bệnh cho người khác.

Nhìn nhận về tình hình dịch bệnh những ngày qua ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cảnh báo, tâm lý chủ quan ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm “5K”; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép... Qua đó, nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố nhấn mạnh, diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát mạnh.

Chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh

Nhằm chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện đồng bộ các giải pháp; trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm “5K” của người dân. Đặc biệt, không vì độ phủ vaccine phòng dịch Covid-19 rộng mà sinh ra chủ quan. Các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực y tế từ thành phố xuống đến cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong Công điện số 23 ngày 16-11 về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới đã đưa ra những biện pháp nhằm giữ vững thành quả đạt được để bảo vệ an toàn cho Thủ đô. Theo đó, kiên định thực hiện chiến lược phòng, chống dịch, giữ vững và phát huy những kết quả đạt được; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới, không để xảy ra lây lan trong cộng đồng và tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Từ ngày 17-11, TP Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội. Trong đó, nêu rõ thành phố chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Thí điểm lập 5 cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở 5 quận, huyện, với tổng cộng 1.150 giường. Bên cạnh hình thức cách ly tập trung F1 (14 ngày), thành phố thí điểm cách ly tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế…

Nhìn nhận về biện pháp mới của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể “Zero Covid” (Không Covid). Khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng sẽ kéo theo số F1 tăng lên, vì thế việc áp dụng cách ly tại nhà là rất cần thiết. Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội nên cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà, thậm chí cả những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng. Việc cho phép cách ly tại nhà sẽ bảo đảm an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn.

Có thể thấy, đúc rút kinh nghiệm phòng chống dịch thời gian qua, đồng thời dựa trên diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, TP Hà Nội đã chủ động đưa ra các giải pháp với quyết tâm cao độ bảo vệ an toàn cho Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

(Còn nữa)

Bài 2: Trái tim của cả nước nhất định phải an toàn, khỏe mạnh