Hà Nội chơi gì?

ANTĐ - Một cô bạn trong miền Tây Nam Bộ lần đầu tiên được ra thăm Hà Nội nhắn tin cho tôi nhờ giới thiệu giúp chỗ chơi trong mấy ngày thăm thú. Giật mình ngồi thừ ra. Chơi gì, ừ nhỉ, khó phết đối với một người, con thì đã lớn còn cháu đang quá nhỏ, bản thân thì vừa vào độ già, cỡ nào cũng nhỡ cả so với cái chuyện chơi kia. Đành à ừ bảo anh sẽ lên chương trình cho em, yên tâm đi, chơi thoải mái, Hà Nội ngàn năm văn vật mà. Yên tâm. Yên tâm.

Hà Nội chơi gì? ảnh 1Ảnh: Internet

Nói vậy nhưng cũng lo lắng ra phết. Hà Nội sống cả đời có ngõ ngách nào không thạo nhưng đấy là thuộc về những gì cổ xưa trong tâm thức, trong hồi cố của một Hà Nội cũ, của một lớp người cũ. Cô bạn kia nhờ, không nói rõ nhưng phải hiểu là Hà Nội của hôm nay. Nghĩa là những thú chơi, những điểm đến của một Hà Nội hiện đại. Nhưng lập tức cái thằng tôi phản biện, cứ cho là thế đi, Hà Nội hiện đại cũng không thể bỏ qua được những gì thuộc về di tích, thuộc về lịch sử chứ. Đúng quá. Nghĩ thế nên thấy lạc quan ngay. Đến Hà Nội từ người Tây đến người ta có ai lại bỏ qua được hồ Hoàn Kiếm với Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, nhà Thủy Tạ... Ái chà, mới nhắc sơ sơ thế đã đủ thấy hồ Hoàn Kiếm chắc phải là đệ nhất Hà Nội di tích chứ nhỉ. Bởi chỉ xung quanh bờ hồ đã có bao nhiêu những di tích đáng kể.

Đấy là chưa kể đến Tháp Rùa cổ kính nằm giữa hồ. Ngày xưa còn tàu điện, ga Bờ Hồ là ga trung tâm của tất cả các tuyến tàu điện thành phố. Nhắc đến hồ Hoàn Kiếm lại nhớ đến cụ Rùa huyền tích mới mất được non nửa năm. Chết thật, mới chỉ nhắc đến hồ Hoàn Kiếm đã thấy bồi hồi xao xuyến. Ngày mới lớn, lần đầu tôi hẹn được cô bạn gái ra cầu Thê Húc chơi buổi tối. Nhìn ngắm làn nước xanh biếc lấp lánh ánh điện thật thơ mộng. Tôi đã từng ví mặt hồ Hoàn Kiếm như một đĩa thạch khổng lồ trong một tiểu thuyết. Lại nói đận chơi trên cầu Thê Húc năm đó, lâu quá chả còn nhớ ai chủ động nhưng tôi và cô bạn đã trao cho nhau nụ hôn đầu đời ngay chính giữa cầu. 

Nói đến di tích chắc chắn phải đưa cô bạn miền Tây kia đến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trường đại học đầu tiên của Việt Nam xứng đáng là một đại di tích của không chỉ Hà Nội. Đây chính là biểu tượng của văn hóa Việt truyền thống. Kế đó là Hoàng Thành, Chùa Một Cột, Cột Cờ được xây dựng từ triều Nguyễn. Đã kể thì kể cho đầy đủ đó là Ô Quan Chưởng, là thành Cổ Loa, đền Trấn Quốc và Thăng Long tứ trấn gồm 4 ngôi đền thiêng trấn giữ 4 góc đông, tây, nam, bắc Thành Thăng Long: đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Quán Thánh. Thăm được đủ các di tích này, tôi tin rằng cô bạn sẽ có thể khẳng định là đã biết Hà Nội. Tất nhiên đó là một Hà Nội lịch sử. 

Đến cái sự chơi thì tôi bắt đầu bí. Dạo nhỏ cánh tôi hay được vào chơi vườn Bách Thảo. Lúc đó Bách Thú còn nằm trong khuôn viên của Bách Thảo. Sau này thì tách ra chuyển hết thú về Công viên Thủ Lệ. Công viên to đủ hết mọi giống thú đầu bảng như voi, hổ, báo, gấu, sư tử… Hai đứa con tôi dạo nhỏ xôm lắm cũng chỉ được đến chơi những chỗ này là cùng. Rồi công viên Thống Nhất, sau có thêm công viên Hòa Bình, công viên Cầu Giấy… Thêm nữa là đi bơi thuyền Hồ Tây. Hồ Tây xưa rộng mênh mông bể sở, sâm cầm đậu đầy trên sóng. Những ngọn sóng Hồ Tây và chim sâm cầm đã đi vào thơ ca của nhiều đời, nhiều thế hệ thi nhân.

Giờ Hồ Tây thu hẹp lại đáng kể vì bị san lấp, lấn chiếm và thoảng nhặt mới nom thấy bóng dáng của vài con sâm cầm hiếm hoi. Hồ hẹp và rất ô nhiễm môi trường nhưng lại thêm đội tàu nói thật là nom cực xấu, vòng vòng đưa du khách ăn nhậu quanh hồ một lượt. Đến đây bí quá tôi phải gọi điện nhờ con gái lớn. Nó có thằng cu 3 tuổi chắc là biết nhiều chỗ chơi cho con. Quả nhiên con gái cung cấp cho tôi một thống kê dài những điểm đáng đến của Hà Nội hôm nay sau khi mắng tôi xơi xơi. Đại loại nó bảo bố là nhà văn mà vừa vô tâm vừa lạc hậu.

Hà Nội bây giờ ở các khu đô thị cao cấp đều có những điểm vui chơi rất hiện đại. Tôi đọc và một lần nữa ớ ra. Thảo nào con gái nó mắng cho là phải. Đấy là chưa kể những điểm vui chơi nổi tiếng có từ dạo nảo dạo nào. Thì đây, công viên nước Hồ Tây. Quái, tôi đã từng cùng con gái bé đến đây chơi khi nó còn nhơ nhỡ sao tôi lại không nhớ ra nhỉ. Bến Hàn Quốc là cái quái quỷ gì thế này. Ô, hóa ra thơ mộng phết, là cái bến ở làng Nhật Tân nơi mùa hè có sen hồ thơm ngát. Nơi này chắc chỉ dành cho đôi lứa yêu nhau nên loại bảo thủ già cả như tôi không biết cũng là phải. Thiên Đường Bảo Sơn, khu vui chơi nổi tiếng cách Hà Nội 8 cây số. Nơi đây có khu thủy cung lớn nhất miền Bắc.

Thực ra Thiên Đường Bảo Sơn là một tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng có khách sạn cao cấp và khu làng quê cùng chợ ẩm thực. Khách du lịch đến Hà Nội ít khi bỏ qua nơi này. Qua thống kê của con gái tôi giật mình vì những điểm vui chơi hiện đại trong các khu đô thị mới. Chỉ kể một điểm tiêu biểu là Vinpearl Aquarium Times City. Ở đây, bên cạnh khu vui chơi và mua sắm là một thủy cung hiện đại và lớn nhất Việt Nam với 4.000 m2 diện tích cùng hàng nghìn loài sinh vật, rất nhiều loài cá. Thì ra Hà Nội hiện đại hôm nay có quá nhiều chỗ vui chơi mà tôi không hề biết. Đó còn là khu phố cổ với chợ đêm rất được du khách nước ngoài ngưỡng mộ.

Tôi liệt kê đủ một danh sách dài những điểm cần đến khi du lịch Hà Nội cho cô bạn miền Tây Nam bộ. Không quên thêm vào cuối danh sách tuyến du lịch thủy sông Hồng với những điểm du lịch tâm linh đền Dầm, đền Chử Đồng Tử cùng làng cổ Bát Tràng và những cây cầu vừa cổ xưa vừa hiện đại như Nhật Tân, Long Biên… Bất ngờ khi cô bạn cười căng cắc, thông báo đã du lịch Hà Nội xong, đang định đến chào tôi để về. Hỏi sao không lấy địa chỉ chơi Hà Nội như đã yêu cầu, cô càng cười to hơn: Em xin lỗi quên không báo lại, tra “thằng Gúc” là ra hết anh ạ. Gúc nào? Gúc gồ ấy mà, khỏi cần phiền anh. Ui giời, Hà Nội chơi gì, thế có khổ tôi không.

Hà Nội 31-5-2016