Hà Nội: Chợ "cóc" tăng từ 52 lên hơn 200

ANTD.VN - Chiều 5-7, HĐND TP tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề quản lý chợ. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, cuối năm 2016 chỉ có 52 chợ “cóc” nhưng đầu năm 2017 thống kê lại tăng lên hơn 200 chợ. 

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin về tình quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội

Chiều 5-7, HĐND TP tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề quản lý chợ. Thông tin về tình hình quản lý chợ trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, hiện Hà Nội có 454 chợ và theo kế hoạch đến năm 2030 sẽ có 8 chợ đầu mối, 17 chợ hạng 1. Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 2.419 tỷ đồng ngân sách nhà nước để xây dựng chợ.

Ông Lê Hồng Thăng cũng chỉ ra rằng, qua công tác kiểm tra cho thấy công tác chỉ đạo an toàn thực phẩm chưa tốt. Nhiều chợ xuống cấp, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy và không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bắt đầu phần chất vấn, Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ Tây Hồ) chất vấn về vấn đề chuyển đổi chợ? Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) chất vấn về việc chất lượng các chợ không đảm bảo, môi trường trong chợ nhiều vấn đề. Theo đại biểu, trong chợ còn nhiều hàng giả, hàng nhái. Đại biểu đề xuất 1 cơ quan của TP giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tiến hành chất vấn, đại biểu Trần Thị Vân Hoa đặt câu hỏi về vấn đề chậm giải quyết các dự án đầu tư phát triển chợ. Đại biểu, đề nghị cung cấp làm rõ thông tin vấn đề giải quyết các vấn đề chậm đầu tư chợ. Trong giai đoạn 2001-2015 có 4 dự án đầu tư bị hủy, 5 dự án từ 2009 nhưng không được triển khai, một số chợ bị cháy như chợ Nhật Tân. Đề nghị UBND TP cung cấp kết quả đôn đốc, rà soát, đến bao giờ cử tri Tây Hồ có chợ thay cho chợ tạm?

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn chất vấn về việc nhiều chợ chuyển đổi có nhà đầu tư nhưng triển khai chậm và nhiều điểm chợ cóc chợ tạm chưa được giải tỏa, sắp sếp lại? Hiện còn 52 điểm chợ cóc chợ tạm, nguyên nhân, trách nhiệm ra sao và bao giờ thì giải tỏa xong?

Trả lời chất vấn của các đai biểu HĐND TP, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, đến nay có 22 quận huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Quá trình này còn chậm bởi trong tổng số 454 chợ thì có 128 chợ lán tạm nên gây khó khăn cho kế hoạch chuyển đổi. Bên cạnh đó, 302 chợ xin kế hoạch đầu tư từ năm 2017 đến 2020.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục yêu cầu các quận huyện tiếp tục xây dựng, UBND TP sẽ phê duyệt trong tháng 10, các quận huyện xong tháng 8, sở ban ngành phê duyệt trong tháng 9 để đúng lộ trình.

Cũng theo ông Lê Hồng Thăng, chợ luôn gắn liền với vấn đề dân sinh, trong quá trình quản lý lúc nào cũng gắn với vấn đề dân sinh chứ không phải là hiệu suất kinh doanh cao. Quá trình xã hội hóa, kết hợp trung tâm thương mại rất khó khăn 7 chợ đến nay vẫn còn nguyên. UBND TP khẳng định các chợ này không dùng mô hình kết hợp trung tâm thương mại nữa mà chuyển sang mô hình chợ dân sinh.

Về vấn đề chợ "cóc", Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo thống kê cuối năm 2016 trên địa bàn thành phố có 52 chợ cóc. Nhưng sau Tết, tới tháng 3-2017, Hà Nội xuất hiện thêm 200 chợ cóc. Thời gian qua, Hà Nội ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường mà mới xử lý được hơn 100 chợ cóc.

"Việc xử lý chợ cóc rất khó, nguyên nhân là do kỷ cương chưa nghiêm, việc vận động nhân dân chưa đạt", Giám đốc Sở Công Thương cho biết. Cũng theo ông Thăng, khi phát sinh thêm chợ cóc, nếu lực lượng quản lý thị trường không phát hiện, kịp thời báo các Sở Công Thương thì đội quản lý thị trường sẽ phải chịu trách nhiệm.