Hà Nội “chia lửa” với Điện Biên

ANTĐ - Ở vị trí là đầu não của bộ máy chính trị quân sự do thực dân Pháp dựng lên, Hà Nội đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Bản kiến nghị đòi hòa bình của nhân dân Hà Nội gửi sang Paris, được đăng trên báo chí Pháp là một sự kiện gây chấn động dư luận nước Pháp và chính giới Pháp. Quả bom nổ giữa chính trường đã gây hiệu ứng với tướng lĩnh Pháp đang tuyệt vọng giải cứu thế thua tại Điên Biên.

Hà Nội “chia lửa” với Điện Biên ảnh 1
Bản kiến nghị đòi lập lại hòa bình của trí thức Hà Nội
đã góp phần giúp ta giành lợi thế tại Hội nghị Geneva 1954

Cuộc chiến tranh tổng lực

Đêm mùng 3 rạng 4-3-1954, trước khi quân đội mở đầu trận tấn công ở Điện Biên Phủ, thì ở Hà Nội, các chiến sĩ của Đại đội 8 tập kích sân bay Gia Lâm, phá hủy 18 máy bay. Tiếp đó, ta đốt cháy kho dù trong Sở Binh lương của quân Pháp, chặn nguồn tiếp tế của địch từ Hà Nội lên chiến trường. Trước những diễn biến bất lợi, binh lính, sĩ quan ở Tiểu đoàn dù số 5 đóng ở trường Bưởi, Tiểu đoàn dù số 7 đóng ở Việt Nam học xá, lính đóng ở sân bay Bạch Mai đào ngũ hàng loạt; quân địch ở đầu não của bộ máy chiến tranh rơi vào tình trạng mất tinh thần chiến đấu. Giữa lúc đó, ngày 26-3-1954, bản kiến nghị đòi lập lại hòa bình của trí thức Sài Gòn do luật sư Trình Đình Thảo, kỹ sư Lưu Văn Lang viết, đã được gửi ra Hà Nội và đăng lên báo chí công khai. Bắt ngay làn sóng dư luận và nguyện vọng sớm được sống trong hòa bình của mọi tầng lớp nhân dân, Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự trí thức vận do ông Nguyễn Bắc phụ trách, vận động nhóm trí thức yêu nước, làm bản kiến nghị đòi lập lại hòa bình, ủng hộ phái đoàn ta đang họp tại Hội nghị Geneva. 

 Đây là một vấn đề không đơn giản, vì trí thức Hà Nội thời ấy, lòng yêu nước ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Việt Minh ai ai cũng có; nhưng viết thế nào để qua con mắt cú vọ của bọn kiểm duyệt, bọn Việt gian phản động, công khai lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp trí thức, giáo sư, bác sĩ, nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ... quả là không dễ. Ông Nguyễn Bắc băn khoăn: Ai là người đầu tiên thay mặt nhân sĩ trí thức Hà Nội ký vào bản kiến nghị? Câu trả lời bật ra trong đầu khi ông nghĩ tới cụ Trần Văn Lai. 

Cụ Trần Văn Lai vốn là Thị trưởng đầu tiên của thành phố, vừa nhậm chức tháng 7-1945 thì ngay sau đó đã dám làm một việc động trời: cho lật đổ các tượng mà thực dân Pháp đã dựng ở các vườn hoa: tượng Mụ đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam, tượng Pônbe ở vườn hoa Pônbe (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), và rồi một loạt các phố Tây đã được cụ cho thay bằng tên các anh hùng dân tộc: Phùng Hưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học. Vườn hoa cạnh Phủ Toàn quyền cũng được cụ ký quyết định, đổi tên thành vườn hoa Ba Đình. Lòng yêu nước, khẳng khái của cụ khiến bọn thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn cũng phải kiêng nể, còn dân trí thức Hà Nội vô cùng kính trọng cụ. Sống giữa lòng địch, chính sự trải nghiệm và ý kiến của cụ đã giúp ông Nguyễn Bắc có được bản kiến nghị đòi hòa bình mang tính trung lập, vừa đạt mục đích công khai đòi hòa bình, vừa thu hút rộng rãi các lực lượng yêu hòa bình, dân chủ ủng hộ kháng chiến. Các ông luật sư Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Huy Mẫn, Vũ Văn Hiền, các bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Võ Tấn cũng đồng tình với chủ kiến của cụ Trần Văn Lai, và ngày 12-4-1954, tên cụ đứng đầu trong danh sách các nhân sĩ trí thức Hà Nội ký vào bản kiến nghị yêu cầu các bên tham chiến ở Đông Dương cùng nhau thương lượng, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. 

Tiếng vang giữa Paris

Bản kiến nghị đáp ứng đúng nguyện vọng hòa bình của nhân dân nên đã được đông đảo quần chúng ủng hộ với hàng trăm chữ ký, tạo nên làn sóng đấu tranh chính trị ngay giữa trung tâm đầu não của giặc; hiệu ứng của phong trào ký kiến nghị đòi hòa bình lan nhanh sang thanh niên, sinh viên các trường trung học và đại học với những cuộc bãi khóa chống tổng động viên đi lính. Không khí sôi sục đấu tranh của nhân dân Hà Nội giữa những ngày chúng đang thua trận trên chiến trường càng tác động vào tâm lý địch, gây hoang mang, chán nản, rệu rã, mất tinh thần, làm cho quân địch rã ngũ, đào ngũ hàng loạt. Hà Nội đã chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ bằng cuộc đấu tranh như vậy. 

Sau khi ký vào bản kiến nghị, các giáo sư, bác sĩ còn có sáng kiến đưa nó sang Paris. Chớp lấy cơ hội ông Đặng Văn Chung và ông Vũ Công Hòe chuẩn bị sang Pháp lấy bằng thạc sĩ Y khoa, ông Phạm Khắc Quảng đã nhờ ông Chung chuyển bản kiến nghị đòi hòa bình tới luật sư Nguyễn Mạnh Hà đang ở Pháp. Mọi việc thuận buồm xuôi gió. Luật sư Nguyễn Mạnh Hà gửi ngay bản kiến nghị cho báo Le Monde và L Humanité  dưới nhan đề “Les Notabilites” (Những nhân sĩ Hà Nội). Bản kiến nghị được đăng trên hai tờ báo lớn của nước Pháp đã gây tiếng vang lớn trong dư luận nhân dân Pháp và thế giới. Đó cũng là lúc chiến dịch Điện Biên Phủ đang bước vào những ngày quyết liệt cuối cùng, và Hội nghị Geneva đang họp bàn những vấn đề về độc lập chủ quyền của ba nước Đông Dương.