Hà Nội cân nhắc thi thử THPT quốc gia: Không gây căng thẳng để lấy thành tích

ANTĐ - Năm ngoái, TP.HCM đã tổ chức cho học sinh toàn thành phố thi thử THPT quốc gia trong khi Hà Nội lại không triển khai ở quy mô như vậy mà do các trường tự triển khai. Năm nay, Hà Nội tiếp tục cân nhắc thận trọng để không gây áp lực cho thí sinh.

*Bước vào thời điểm ôn thi nước rút

Hà Nội cân nhắc thi thử THPT quốc gia: Không gây căng thẳng để lấy thành tích ảnh 1

Việc tổ chức thi thử THPT quốc gia năm nay cho khoảng 80.000 thí sinh Thủ đô với 8 môn thi đòi hỏi sự đầu tư lớn của thành phố. Việc tổ chức thi thử sẽ giúp thí sinh làm quen với môi trường giống như kỳ thi thật. Từ đó, thí sinh, phụ huynh, nhà trường cùng thấy được chất lượng, năng lực của thí sinh để có thể điều chỉnh hợp lý trước khi chính thức bước vào kỳ thi toàn quốc.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc tổ chức kỳ thi thử trên diện rộng phải tính toán kỹ bởi có thể phát sinh nhiều vấn đề. Để tổ chức kỳ thi này, toàn bộ các khâu ra đề, coi thi, chấm thi sẽ phải tuân thủ đúng quy trình như kỳ thi thật. Vì vậy, sẽ rất tốn kém, đòi hỏi nhiều công sức, đặc biệt khi Hà Nội là địa phương đông thí sinh nhất cả nước.

Tuy vậy, điều khiến ngành giáo dục lo lắng lại là quyền lợi của thí sinh. "Mặt tốt là các em được làm quen với yêu cầu của một kỳ thi quan trọng, nhưng ở khía cạnh khác, việc bảo mật đề không dễ bởi có khả năng một vài đơn vị vì lo thành tích của trường mà vi phạm quy định. Thậm chí, có trường sẽ “thả” cho học sinh của mình khi thi thử vì áp lực điểm số cũng sẽ khiến kết quả không sát với thực tế, lợi bất cập hại" - đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ.

Để tránh gây áp lực với trường học và thí sinh, Sở có thể sẽ chọn phương án xây dựng đề thi bám sát yêu cầu của Bộ GD-ĐT, còn việc tổ chức thi sẽ giao cho các trường tự tổ chức và không lấy thành tích điểm số để đánh giá thi đua. Thực tế, hiện nay, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh thi thử nhiều vòng, dù chưa kết thúc chương trình năm học. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, trường này đã tổ chức 6 lượt thi thử từ đầu năm học theo từng giai đoạn, để học sinh, phụ huynh, giáo viên nhận biết quá trình phấn đấu, chất lượng học tập, giảng dạy...

Theo phản ánh từ các trường THPT, việc ôn thi CĐ-ĐH sẽ được triển khai ngay trong tháng 4 và kéo dài đến cuối tháng 6-2016. "Do học sinh chủ yếu ôn thi với thầy cô ở trường chứ không đi luyện thi tại trung tâm nên nhà trường sẽ cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn học sinh ôn tập. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm học sinh theo năng lực và theo các môn thi tự chọn"- bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.

Do năm học kết thúc vào cuối tháng 5-2016, cách kỳ thi THPT quốc gia 1 tháng nên việc ôn tập của thí sinh phần lớn diễn ra ở trường. Trước thực tế này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu, các trường phải thống nhất với học sinh và phụ huynh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải. Việc tổ chức ôn tập phải trên tinh thần tự nguyện, không được ép buộc.