Hà Nội: Cần giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng với việc phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, cần có giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế xã hội; phát triển toàn diện văn hóa các dân tộc thiểu số; chú trọng chính sách đặc thù tuyển dụng, bồi dưỡng với con em đồng bào dân tộc thiểu số...

Toàn cảnh đại hội

Sáng 3-10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2019 đã diễn ra với sự tham dự của 241 đại biểu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.

Đọc diễn văn khai mạc đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo đại hội Nguyễn Văn Sửu nhiệt liệt chào mừng 241 đại biểu đại diện cho hơn 108.000 đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong toàn thành phố đang phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sâu sắc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại hội cũng tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thay mặt lãnh đạo thành phố tặng đại hội bức trướng "Đoàn kết, đổi mới, hội nhập, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại"

Tại đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao công tác dân tộc và chính sách dân tộc mà thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian qua.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị thành phố tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế, tạo sinh kế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số; tạo xung lực mới theo hướng ban hành cơ chế chính sách phù hợp về đất đai, dạy nghề, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm để phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Bộ trưởng cũng lưu ý Hà Nội cần tiếp tục có thêm nhiều phương án bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số…

Tại đại hội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thay mặt Thành ủy, HĐND, UBDN, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng lẵng hoa tươi thắm tới đại hội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng trao tặng bức trướng, chúc mừng đại hội với dòng chữ: "Đoàn kết, đổi mới, hội nhập, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại". 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại đại hội

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin thêm, những năm qua, thành phố luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các sở ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, chỉ đạo và các kế hoạch của UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô.

Trong giai đoạn 2013-2015, ngân sách thành phố đã bố trí 837,5 tỷ đồng để triển khai thực hiện 105 dự án; giai đoạn 2016-2020, ngân sách thành phố dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đến nay đã cấp 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các dự án được thực hiện bảo đảm tiến độ, phát huy hiệu quả. Ngoài ra các quận nội thành cũng đã hỗ trợ 92 tỷ đồng để xây dựng 46 nhà văn hóa thôn ở các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi thành phố.

“Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố vững chắc, lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường… Không ít già làng, trưởng dòng họ tộc đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở”, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng với việc phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước; có giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế xã hội; phát triển toàn diện văn hóa các dân tộc thiểu số; chú trọng chính sách đặc thù tuyển dụng, bồi dưỡng với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cấp cần động viên người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tại đại hội, 5 tập thể,18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc. 15 tập thể, 28 cá nhân cũng vinh dự  nhận Bằng khen của UBND TP.

Hà Nội: Cần giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4

Nghề sản xuất thuốc nam của đồng bào Dao ở Ba Vì

Vùng dân tộc miền núi ở Hà Nội tặng trưởng trên 12%

Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 12%, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đạt khoảng 35 triệu đồng/năm.  Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn 3,7%, dự kiến hết năm 2019 còn 3%. Có 7/14 xã vùng dân tộc thiểu số của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

100% số xã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia.  Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh.

100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đạt 100%; số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 53,22%. 14/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số người nghèo, cận nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình. 

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được đồng bào ủng hộ và thực hiện có hiệu quả. Đồng bào dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt...