Hà Nội cần có nhiều hơn các sân chơi cộng đồng

ANTD.VN - Trẻ em sinh sống trong trung tâm thành phố Hà Nội đang rất thiếu không gian để vui chơi. Việc có những sân chơi hoàn toàn miễn phí, ngay gần nhà, có các đồ chơi đáng yêu là điều cần thiết. Một trong những mô hình sân chơi đó vừa ra mắt sáng 28-5.

Sân chơi cho trẻ vừa được khai trương tại tổ 3, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý Dự án phố cổ Hà Nội, tổ chức HealthBridge và doanh nghiệp xã hội Sân chơi trong phố (Think Playgrounds) đã hỗ trợ UBND phường Chương Dương và cộng đồng dân cư tạo dựng một sân chơi cộng đồng cho trẻ em tại tổ 3, phường Chương Dương.

Mục đích của việc xây dựng sân chơi là tăng cường cơ hội cho các hoạt động vui chơi thể chất, trải nghiệm xã hội, hiểu biết về văn hóa truyền thống, giao tiếp và phát triển cho trẻ em tại phường Chương Dương. Đồng thời, đây cũng là một mục tiêu phấn đấu trở thành một điển hình tốt trong việc phát triển, duy trì sân chơi cộng đồng tại Hà Nội. Dự kiến sau một thời gian hoạt động, địa phương sẽ rút kinh nghiệm và đề xuất nhân rộng mô hình sân chơi này trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các quận khác tại Hà Nội.

Từ một ý tưởng tình cờ

Chị Chu Kim Đức bắt đầu dự án Think Playgrounds cách đây 3 năm, vào năm 2014. Xuất phát rất tình cờ, chị và các cộng sự giúp đỡ một người phụ nữ Mỹ muốn tặng Hà Nội một sân chơi bởi không thấy Hà Nội có sân chơi đúng nghĩa. Khi không thực hiện được, chị và cộng sự cảm thấy đáng tiếc và tìm cách  để làm các sân chơi.

Là một kiến trúc sư, chị Kim Đức nhìn trên khía cạnh đô thị thì không gian cho trẻ em chưa được tính đến trong quy hoạch đô thị tại Việt Nam. Theo chị: “Trẻ em cần được chơi tự do, ở đấy các em thoải mái sáng tạo. Khi ấy, các em học mọi thứ xung quanh mình một cách say mê nhất, yêu thích nhất”.

Hơn nữa, theo công ước quốc tế về quyền được vui chơi cho trẻ em, trẻ nhỏ phải được tham gia các trò chơi vận động để có thể phát triển tốt cả thể lực lẫn trí lực và các sân chơi cần hoàn toàn miễn phí để mọi trẻ em đều có thể tiếp cận. Nếu chỉ ở trong lớp học thì rất nhiều trẻ em sẽ bị rơi vào trạng thái căng thẳng, nhất là các em nhỏ, các em không nên được thiết kế cho việc ngồi một chỗ quá lâu.

Sân chơi đầu tiên Think Playgrounds làm ở bãi giữa sông Hồng, rất được ủng hộ, sau đấy Think Playgrounds tổ chức “Play day - Ngày vui chơi trong phố” nhằm truyền thông về ý tưởng sân chơi công cộng rất quan trọng, nhất là trẻ em trong thành phố. Từ sự ủng hộ này, nhiều cộng đồng dân cư mạnh dạn bày tỏ mong muốn được làm sân chơi. Đến nay, Think Playgrounds đã làm được hơn 50 sân chơi trên khắp cả nước. Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Hà Nội...

Ước mơ lan tỏa

Thú vị là khi được tiếp cận các đồ chơi ở sân chơi chung, nhiều em bé ở phường Chương Dương còn chưa biết đồ chơi đó chơi thế nào, các em tự dò dẫm tìm cách chơi, em bé nhìn em lớn cách chơi để học theo, hoặc tìm sự hỗ trợ của phụ huynh. Đây là điều khác hẳn với không gian được thu hẹp xã hội, khác hơn nhiều so với việc các em chỉ ở trong nhà chơi iPad và xem ti vi.

 Do Think Playgrounds chú trọng chọn các vật liệu làm dụng cụ chơi từ thiên nhiên, nên các em nhỏ tham gia chơi được học về thiên nhiên, cảm nhận về gỗ, nghịch bẩn, sờ đất sờ cát, sống trong không khí, gần gũi với thiên nhiên thực sự. Đặc biệt, các kiến trúc sư thiết kế dụng cụ chơi, đồ chơi đều là người Hà Nội, họ có một mối liên kết chặt chẽ với ký ức, tuổi thơ, văn hóa lịch sử Hà Nội nên sân chơi mang tính địa phương cao, các đồ chơi được trẻ em yêu thích như: Con ngựa nhún lò xo, bập bênh lốp, hệ leo trèo lốp và lưới, bạch đàn. Hệ xích đu kèm cầu trượt, cầu treo...

Chị Anh Thư (34 tuổi) là dân cư phường Chương Dương đã đưa 2 con nhỏ tới sân chơi thấy phấn khởi: “Các bé không phải đi xa tìm chỗ chơi nữa mà có thể đi bộ ra cạnh nhà chơi. Phụ huynh cách mấy nhà không biết mặt nhau, giờ ra đây chơi với nhau, trông con, có khi lại quen rồi thân nhau”. Sân chơi cho trẻ em vốn đã thiếu, giờ có nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ chỗ cho trẻ em quanh khu vực.

Bởi khi có sân chơi ngoài trời, dân cư, trẻ em ở các địa phương lân cận cũng muốn con em mình sang chơi cùng. Hoặc nhìn rộng hơn, sân chơi cho trẻ em có đáp ứng được cả mong muốn được chơi và phù hợp với thanh niên thành phố hay không? Điều này rất cần các tổ chức, cộng đồng xã hội can thiệp và chung sức xây dựng nhiều sân chơi hơn nữa, đáp ứng nhu cầu giải trí, văn hóa đời sống dân cư.