Hà Nội: Bể ngầm để không, cáp quấn trên đầu

ANTĐ - Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa tổ chức phổ biến Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27-12-2013 của liên Bộ Xây dựng-  Công Thương-Thông tin và Truyền thông quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. 

Cáp nổi sẽ được sắp xếp lại gọn gàng hơn

Không thu hồi cáp hỏng

Ông Nguyễn Tiến Sỹ- Trưởng phòng Bưu chính -  Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay rất nhiều cáp treo không đúng kỹ thuật, chồng chéo, không đảm bảo khoảng cách an toàn, không có dấu hiệu nhận biết. “Đặc biệt là cáp thừa rất nhiều. Có bó cáp 10 đường dây thì chỉ 2 đường dây có tín hiệu, 8 đường dây đã hỏng mà doanh nghiệp không dọn dẹp, thu hồi, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị” - ông Nguyễn Tiến Sỹ nói. 

Mới đây, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra hạ tầng dùng chung tại nhiều tuyến phố. Theo ông Nguyễn Xuân Quang- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, bên cạnh tình trạng như nêu trên, nhiều tuyến phố đã có tuyến ngầm nhưng cáp của doanh nghiệp vẫn không hạ ngầm. 

Chia sẻ thêm về thực trạng này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các đường dây đi nổi trên địa bàn thành phố đã có quy định sắp xếp, cải tạo nhưng các đơn vị sử dụng lại “chưa làm đến nơi đến chốn. Có đơn vị tận dụng cả cột chiếu sáng để treo cáp. Cứ có cột là treo, bất kể cột khỏe hay yếu, nhiều cột chiếu sáng đã bị nghiêng” - vị này nói. Theo kế hoạch, từ đầu tháng 6, lực lượng chức năng đã kiểm tra đồng loạt việc treo cáp tại nhiều tuyến phố, trong đó tuyến nào bừa bộn, mất mỹ quan nhất ưu tiên xử lý trước. “Với các tuyến nhiều cáp nổi, chúng tôi sẽ thông báo đến các đơn vị để họ có kế hoạch tự kiểm tra đường dây, các doanh nghiệp phải tự thanh lọc trước. Nếu không chúng tôi sẽ quyết định, mỗi đơn vị chỉ được treo một sợi cáp trên cột. Nếu phải bó cáp thì bó có chọn lọc, không bó như con trăn, rất xấu” - đại diện Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu. 

Thừa nhận thực tế này, đại diện cơ quan Viễn thông Hà Nội cho biết: “Chúng tôi nhất trí với chủ trương rà soát, chỉnh trang hệ thống cáp nổi còn lộn xộn. Nhưng viễn thông Hà Nội có cơ sở hạ tầng lớn nên khó có thể giải quyết được trong năm nay”.

Có bể cáp ngầm lại không thể bàn giao

Trong khi tại nhiều tuyến phố trên địa bàn còn thiếu nguồn kinh phí và các yếu tố khác để thi công đường cáp ngầm, thì một số địa bàn đã có đường cáp ngầm lại không biết bàn giao cho ai, vừa gây lãng phí, vừa không khai thác được. Theo Ban quản lý dự án quận Long Biên, cơ quan này đã triển khai dự án hạ tầng dùng chung, hoàn thành 14 dự án hạ ngầm. Nhưng đã qua 4 năm (từ 2010 đến nay), do chưa có hướng dẫn bàn giao nên ban quản lý dự án vẫn phải chịu trách nhiệm duy tu hệ thống cống bể. “Hệ thống này thường xuyên vỡ nắp gang do xe tải gây ra hoặc bị mất trộm, chúng tôi thường xuyên phải khắc phục. Hơn nữa, các đơn vị cung cấp dịch vụ đều sử dụng hạ tầng ngầm này nhưng chưa có hướng dẫn thu hồi vốn như thế nào. Chúng tôi xây dựng hoàn toàn bằng tiền ngân sách”. 

Các tuyến ngầm do doanh nghiệp tự xây dựng lại vướng ở giá thuê hạ tầng dùng chung. Giữa các doanh nghiệp khó có thể thống nhất mức giá, điển hình là giữa 2 doanh nghiệp lớn nhất là Viễn thông Hà Nội và     Viettel. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn quyết định phương án giá thuê hạ tầng dùng chung của thành phố sẽ sớm được ban hành. 

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân thì tất cả các doanh nghiệp và đơn vị có đường dây phải có ý thức. “Làm sao để tối ưu hóa truyền dẫn cho lưu lượng cáp vừa phải, cứ giăng ra mãi thì không hạ tầng nào đáp ứng nổi” - lãnh đạo một đơn vị nói.