Hà Nội bắt nhịp xu hướng hiện đại

ANTĐ - Luật Thủ đô đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-7-2013. Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật S&B có những phân tích dưới góc nhìn của một luật sư.

- PV: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Luật Thủ đô với một Hà Nội mang tầm vóc mới như hiện nay?

- Ông Nguyễn Thanh Hà: Luật Thủ đô không dành riêng cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi mà nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô phục vụ sự nghiệp chung của cả nước. Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về hệ thống cơ chế, chính sách phát triển, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, phát triển quy hoạch hiệu quả bền vững... Kế thừa Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2000, Luật Thủ đô đã tạo lập những cơ sở pháp lý ổn định lâu dài, vững chắc, vừa giúp cho Hà Nội phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hàng ngày, hàng giờ trong quá trình phát triển của thành phố.

- Luật Thủ đô đã tính tới sự bắt nhịp với xu hướng của các đô thị hiện đại như thế nào thưa ông?

- Điều 8 - Luật Thủ đô cũng quy định, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả nước. Với một mô hình cấu trúc mới, Hà Nội sẽ là chùm đô thị với đô thị trung tâm phát triển hướng tới sự phát triển bền vững. Song song với việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, Hà Nội đã và đang bắt nhịp với xu hướng chung của các đô thị hiện đại là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo quy hoạch phát triển giao thông của Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Thủ đô Hà Nội sẽ có một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và hiện đại. 

- Quản lý dân cư là một trong những mục tiêu quan trọng trong Luật Thủ đô, song nhiều ý kiến cho rằng, quy định này khá “chặt”, ông nhận xét gì về vấn đề này?

- Quy định này nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội một cách hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Đây cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết để Thủ đô Hà Nội phát huy nội lực, phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển và giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Theo đó, ở khu vực nội thành Hà Nội, ngoài những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 20 của Luật Cư trú thì công dân muốn đăng ký thường trú tại nội thành phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Đối với nhà thuê phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê. Ngoài ra, Luật cũng điều tiết những người chưa có công ăn việc làm, chưa có nơi ở và hoàn cảnh sống chưa ổn định, vững chắc thì sẽ không được cư trú dài hạn. Việc quản lý nhập cư tốt sẽ tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển tốt, cân đối giữa việc làm, thu nhập, giữa nơi ở, nơi học tập, chữa bệnh, giúp điều kiện sinh sống của người dân hài hòa, phù hợp với bối cảnh địa giới hành chính Hà Nội mở rộng...