Hà Nội - áo chần bông và giấc mơ chạm đến mùa xuân

ANTD.VN - Hà Nội mùa đông năm 2017, nhìn chiếc áo bông chần: người quen, người lạ. Và mỗi khi đón một người lạ lần đầu gặp áo bông ở cửa hàng mình, nhà thiết kế (NTK) Trịnh Thủy không hỏi họ thấy áo bông có đẹp không, có thích không? Chị quen bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những lát cắt đời thường, ví như họ làm nghề gì, sinh ra lớn lên ở nơi nào?

Nhà thiết kế Trịnh Thủy (thứ ba từ bên phải) cùng các người mẫu trình diễn áo bông

Bởi những ai yêu mến áo bông và muốn có cho mình một chiếc, hoặc vì đã nhớ áo bông da diết từ sâu thẳm trong ký ức, phải để nỗi nhớ ấy đến thật tự nhiên.

Em bé Hà Nội mặc áo bông hoa

NTK Trịnh Thủy mở một cửa hàng thời trang vào cuối năm 1999, chị làm áo dài, áo bông, làm món đồ nào cũng phải gửi gắm một chút truyền thống bằng được, đến chiếc áo sơ mi cổ Đức cũng hài hòa ít nhất 3 đến 5cm thổ cẩm... Năm ấy, bạn bè chị thường đùa bảo: “Thủy hâm”, chị chùng xuống nhưng vẫn cười nói đáp: “Ừ, tôi hâm thì bán cho những người hâm”.

Trước đó, chị tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Hà Nội, làm công việc kinh doanh ở các công ty, nhưng do không thấy vui, chỉ suốt ngày nghĩ đến áo - quần nên chị quyết học tiếp trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp khoa Thiết kế thời trang. Nhiều lúc xao động, chị tự nhủ: “Con đường của mình thì mình đi thôi, không nhìn sang con đường nào khác nữa. Tuy nhiên, phải luôn nghĩ cách làm mới con đường của mình”.

Áo bông đối với NTK Trịnh Thủy nói, thì hệt như một tiếng chuông ngày đông xám mờ sương khói, mỗi khi nghe thấy tiếng lòng lại sáng rỡ, ngân rung hoài niệm. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vào năm 1968, dường như chị thuộc thế hệ những người cuối cùng của thế kỷ XX được mặc áo bông thời thơ ấu. Chị luôn tìm trong những chiếc áo bông chị làm suốt 20 năm qua cái cảm giác như hồi nhỏ, áp má vào chiếc áo bông thấy mềm mại, áo bông mẹ mặc cho, mặc miết qua 3 mùa đông liền, quý và giữ. “Chiếc áo bông ấy màu xanh hoa li ti”, NTK Trịnh Thủy kể lại.

Như thể viết nhật ký qua các mẫu thiết kế áo bông. Những trang đầu tiên bắt đầu bằng bước chân nhỏ ngoài phố rộn ràng được mẹ đưa đi chơi. Khi ấy, chị thường bắt gặp những chiếc áo bông chần bằng nhung hay gấm bày trong tủ kính... Lúc nào chị cũng muốn sát lại gần hơn lớp kính trong vắt đó, ngắm nghía, chiêm ngưỡng. Chiếc áo có điều gì vô hình, như mùi hương, cuốn hút chị vào hình dung. Phố người qua người lại, thời gian chảy trôi, may mắn vì hình ảnh áo bông xưa không nhạt phai mất, có khi chợt ùa về thành ý tưởng, thành nguồn sáng tạo bất tận trong chị.

Cô gái Hà Nội ấy đã trưởng thành trong lòng Hà Nội, lớn khôn nhờ những vẻ đẹp bình dị rất riêng, nhỏ nhặt như hoa và lá cỏ. Nỗi niềm mùa hạ lá sen xanh ùa ạt rung đưa qua gió, một chén trà với bạn, mùa thu lá bay, mái phố dội nghiêng dội đỏ, mùa đông cành khô gió Bắc...

Bao nhiêu bay bổng nghệ thuật hiện lên rất thật. NTK Trịnh Thủy một mình xoay vần giữa cảm xúc - đời thực, ảo - thật. 7 năm trước làm triển lãm áo bông “Sen lạnh”, giờ làm tuần lễ “Áo bông 2017”, chị đã trầm tĩnh trong cả 10 mẫu thiết kế được trưng bày, 20 mẫu thiết kế được trình diễn. Có hình ảnh trên chiếc áo được mở rộng, có đường kim mũi chỉ được khúc triết, có những chuyến đi chân mỏi để nhà thiết kế tìm ra một miếng thổ cẩm dệt tay, sắc màu đọng được truyền thống đem về trang trí áo.

“Càng già đi, tôi thích tôi hơn, thích cái trong mình. Tôi thể hiện mọi thứ sâu lắng. Xưa, tôi đơn giản, dễ lắm, như thể có một tờ giấy trắng rồi bày các thứ lên vì nhìn cuộc sống như thế nên bày mọi thứ như vậy” - NTK Trịnh Thủy tâm sự. Thời gian vốn luôn là màu nhiệm và chiêm nghiệm, học hành của một con người đã dành dụm cả cho những chiếc áo bông thêm hay, thêm đẹp, thêm hội họa như những tác phẩm nghệ thuật.

Người thợ cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn để sáng tạo nên  một chiếc áo bông đẹp

Tinh thần Hà Nội đừng phai mất

Chiếc áo bông ba lớp khiến NTK Trịnh Thủy đam mê tưởng chừng đơn giản nhưng là một sản phẩm tinh tế. Ba lớp áo được kết nối với nhau chỉ bởi một sợi chỉ mỏng manh. Các điểm trên mặt vải lún xuống là nút chần bông. Tình cảm của người  làm áo được thể hiện qua đường nút chần, nó có thể tạo độ lún nông, sâu qua cách rút chỉ. Nút chần có thể gắn thêm những hạt cườm li ti - đó chính là điểm kết nối tạo nên áo bông chần và cũng là tạo nên đường trang trí, điểm nhấn cho chiếc áo trong thiết kế.

Chiếc áo bông của NKT Trịnh Thủy không chỉ là câu chuyện cá nhân, đó là câu chuyện về tình người, về Hà Nội những ngày tháng cũ tươi đẹp không bao giờ quên lãng. NTK Trịnh Thủy áo bông trở lại như xưa, dù thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trang phục mỗi người chọn lựa như một thước đo giá trị.

Nhưng, áo bông mặc luôn có nhân dịp, khoác ngoài áo dài hoặc sự sáng tạo của người mặc nó. Giờ đây, mùa đông mỗi người có hàng chục chiếc áo khoác trong tủ. Áo bông không hẳn vì đắt đỏ mà xa xôi. Dường như, NTK Trịnh Thủy đã ôm ấp quá nhiều lãng đãng, mang những giấc mơ về Hà Nội ngày tháng tươi đẹp còn in dấu đi qua mùa đông, đến mùa xuân, đến Tết gió vui thơm…

Chị cũng hơn đôi ba lần thất vọng vì nghề nào chẳng có “tai nạn nghề nghiệp”. Nhưng rồi, điều ở lại được với chị đôi khi rất dịu dàng, bình tâm, như những bạn trẻ tận TP.HCM, nơi không có mùa đông cũng cần áo bông chần để mặc, các bạn diện khi đi du lịch, tự tin vì trang phục truyền thống Việt, hoặc khi lên Đà Lạt - ngày bốn mùa chuyển đổi để cảm nhận sắc màu tinh thần Hà Nội. 

Người Hà Nội với câu chuyện áo bông chần là như vậy đó!