Hà Nội: 21 công trình trọng điểm có khả năng bị chậm tiến độ

ANTD.VN - Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dự kiến đến hết năm 2020, trong số 55 công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, có 34 dự án đáp ứng đúng tiến độ đã được phê duyệt, 21 dự án chậm tiến độ.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị

Sáng nay, 10-7, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2018, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Quyền, hiện tổng số công trình trọng điểm của Hà Nội là 55 dự án, với tổng mức đầu tư là 487.276 triệu đồng (trong đó có 26 dự án ngân sách và ODA, 27 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 2 dự án xã hội hóa).

Tính đến hết tháng 6-2018, trong tổng số 55 dự án có 4 dự án đầu tư công hoàn thành; 17 dự án chuyển tiếp đang đẩy nhanh tiến độ thi công; 34 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Ông Quyền cho biết, so với kế hoạch đề ra thì tiến độ một số công trình còn chậm so với yêu cầu. Dự kiến đến hết năm 2020 có 34/55 dự án đáp ứng đúng tiến độ đã được phê duyệt, 21 dự án chậm tiến độ.

Nguyên nhân chậm tiến độ được Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, thủ tục đầu tư với các dự án PPP còn kéo dài, nhiều dự án phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành…

Toàn cảnh hội nghị giao ban trực tuyến tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội

Cũng tại hội nghị, báo cáo về công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, hiện nay, gần 100% người dân đô thị của Hà Nội đã được cấp nước sạch, chỉ còn một số hộ dân vẫn sử dụng nguồn nước cấp cục bộ và chưa đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung thành phố.

Với người dân ở khu vực nông thôn của Hà Nội, tính đến hết tháng 5-2018, đã có khoảng 52% số người dân tiếp cận nguồn nước sạch, tương đương khoảng 2.237.008 người. Dự kiến đến hết năm nay, các dự án phát triển mạng cấp nước sẽ hoàn thành, đấu nối cấp nước bổ sung cho khoảng 61.000 hộ, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch lên trên 55%.