Hạ nhiệt “cơn khát” năng lượng

ANTĐ - Cơn khát năng lượng của thế giới có xu hướng dịu đi khi nhu cầu năng lượng toàn cầu, nhất là các cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới, đã tăng chậm lại song đó có thể chỉ là sự hạ nhiệt nhất thời.

Điện hạt nhân là nguồn năng lượng giảm mạnh nhất trong năm 2011

Các số liệu thống kê mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố ngày 26-7 cho thấy bức tranh toàn cảnh về tiêu dùng các nguồn năng lượng quan trọng hiện nay cũng như xu thế tiêu thụ năng lượng mới trên toàn cầu trong tương lai. Đáng chú ý, theo các số liệu mới nhất của cơ quan này, tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu năm 2011đã tăng chậm lại, chỉ ở mức 3%.

Trong đó, dầu mỏ chỉ tăng 1%, còn sản lượng điện giảm tới 4% do sản lượng điện ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) - câu lạc bộ 30 quốc gia công nghiệp giàu nhất và tiêu thụ nhiều năng lượng nhất của thế giới, giảm tới 9,2%. Duy chỉ có sản lượng than tiêu thụ trên toàn cầu tăng 6,6% trong năm thứ 12 liên tiếp.

Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới, trong khi Indonesia trở thành nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, vượt cả Australia. Năm 2011, Trung Quốc đã nhập tổng cộng hơn 182 triệu tấn than đá, tăng 10,8% so với năm 2010, và lần đầu tiên vượt Nhật Bản, quốc gia đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu than đá với hơn 175 triệu tấn trong năm 2011.

Cũng theo IEA, nhu cầu dầu mỏ của các nước thành viên OECD đã giảm 0,1% trong năm 2011 do tăng trưởng kinh tế trì trệ. Lượng xăng tiêu dùng cho ô tô, vốn chiếm 1/3 nhu cầu dầu mỏ ở các nước OECD, tiếp tục xu thế giảm mạnh kể từ năm 2006 với việc giảm hơn 2% trong năm 2011.

Xu hướng tăng khá mạnh của việc tiêu thụ khí đốt trên thế giới những năm qua đã chững lại trong năm 2011 khi sản lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu trong cả năm 2011 chỉ tăng 2,1%, thấp nhất so với mức tăng 7,2% năm 2010. Nguyên nhân chính là do lượng khí đốt tiêu thụ ở OECD không tăng trong khi các nước này chiếm tới gần 50% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng nằm trên toàn cầu.

Phản ánh xu hướng giảm tiêu thụ năng lượng chung, sản lượng điện ở các nước OECD giảm 0,9% trong năm 2011, chủ yếu do điện hạt nhân giảm mạnh. Sản lượng điện hạt nhân ở các nước OECD giảm 9,2% trong năm 2011, đặc biệt ở Nhật Bản giảm 65% (do sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1) và ở Đức giảm 23%, khiến tổng nhu cầu năng lượng toàn khối giảm 1,9% năm 2011.

Trong khi tiêu thụ các nguồn năng lượng hoá thạch như dầu khí, than đá cùng điện hạt nhân giảm hoặc chững lại thì việc tiêu thụ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời... năm qua lại gia tăng mạnh. Số liệu thống kê của IEA cho thấy phần của các nguồn năng lượng tái sinh trong tổng cung ứng các nguồn năng lượng quan trọng nhất đã tăng 8,2% ở các nước OECD trong năm 2011, cao hơn mức tăng 7,8% năm 2010. Gió không chỉ là nguồn năng lượng tái sinh hàng đầu trong sản xuất điện năm 2011 mà còn là nguồn năng lượng có tốc độ tăng cao nhất tới 24% trong tất cả các nguồn năng lượng tái sinh.

Theo các chuyên gia năng lượng, nguyên nhân chính khiến việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu chững lại trong năm qua là do sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, nhất là tại các nước OECD. Bởi thế, việc hạ nhiệt “cơn khát” năng lượng nhiều năm qua trên toàn cầu chỉ là nhất thời, “cơn khát” này rất có thể lại bùng phát khi nền kinh tế thế giới hồi phục.