Hạ nhiệt căng thẳng quan hệ hai miền Triều Tiên

ANTD.VN - Thời gian gần đây, căng thẳng 2 miền Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên đang tăng lên nhanh chóng. Liên tiếp những động thái cứng rắn được đưa ra như việc đe dọa dùng sức mạnh quân sự khiến tình hình ngày một… “nóng”. 

Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều hôm 16-6

Nảy sinh mâu thuẫn

Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã tăng nhanh chóng kể từ hồi đầu tháng 6 sau khi bà Kim Yo-jong (em gái Chủ tịch Kim Jong-un) lên tiếng cảnh báo sẽ sử dụng những biện pháp trả đũa cứng rắn đối với Hàn Quốc. Trên thực tế, nguyên nhân mâu thuẫn đã bắt nguồn từ nhiều năm trước khi truyền đơn có nội dung chống phá chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện từ biên giới với Hàn Quốc. 

Phải tới ngày 27-4-2018, sau một thời gian nỗ lực giải quyết, lãnh đạo 2 bên mới có thể ngồi lại và đi tới một thỏa thuận chung về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên mang tên Tuyên bố Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Tuyên bố này quy định “chấm dứt mọi hành động thù địch giữa 2 bên, bao gồm việc rải truyền đơn chống phá”. Sau đó quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc đã có nhiều cải thiện đáng kể, 2 bên đã mở cửa văn phòng liên lạc chung đặt tại khu công nghiệp Kaesong vào tháng 9-2018 để tiện trao đổi các công việc quan trọng.

Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây dường như đã đe dọa mọi nỗ lực hòa giải được thiết lập trong 2 năm qua. Ngày 4-6, em gái Chủ tịch Kim Jong-un đã lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả mạnh tay chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Bà Kim cho rằng phía Hàn Quốc đã vi phạm các thỏa thuận đưa ra trong Tuyên bố Panmunjom khi vẫn để xảy ra tình trạng truyền đơn chống phá được gửi từ Seoul sang Bình Nhưỡng và không hề có ý định ngăn chặn việc này.

Bên cạnh đó, phía Triều Tiên đã lên kế hoạch đóng cửa đất nước để phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 từ cuối tháng 1-2020. Việc những tờ truyền đơn được cố ý phát tán qua biên giới sẽ phá hỏng nỗ lực phòng dịch của họ do chúng có khả năng đem theo virus và mầm bệnh từ Hàn Quốc. Triều Tiên coi đây là tác nhân gây “nhiễm độc kép” cả về mặt chính trị lẫn sức khỏe đối với người dân của mình. Ngoài ra, Triều Tiên cho biết, họ đã cho Hàn Quốc thời gian xử lý sự việc trên, song phía Tổng thống Moon đã phản ứng quá chậm chạp khiến phía Bình Nhưỡng vô cùng bất bình. 

Hạ nhiệt những động thái cứng rắn

Sau tuyên bố của bà Kim, Bình Nhưỡng đã có nhiều hành động đáp trả gay gắt đối với Hàn Quốc. Đỉnh điểm là khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung tại Kaesong vào ngày 16-6 vừa qua. Hãng thống tấn Triều Tiên KCNA cho biết, trước khi đánh sập tòa nhà này, phía Triều Tiên đã đưa ra lời cảnh báo trước và tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động đối thoại liên Triều.  Bên cạnh đó, Triều Tiên còn tiến hành triển khai quân đội ở gần khu vực biên giới với Hàn Quốc và khẳng định sẽ không đàm phán với nước này. 

Triều Tiên tuyên bố sẽ rải truyền đơn vào sâu trong Hàn Quốc để đáp trả những gì nước này phải chịu đựng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Triều Tiên bị phát hiện đang thiết lập lại loa phóng thanh ở nhiều nơi bên trong khu phi quân sự (DMZ) từ ngày 21-6. Trước đó, Bình Nhưỡng đã tuân theo Tuyên bố Panmunjom và tháo dỡ hàng chục loa phóng thanh ở 40 khu vực gần biên giới 2 miền.

Những hành động trên đã khiến chính quyền Tổng thống Moon Jae-in phật ý, đặc biệt là khi trước đó, đại diện Hàn Quốc từng ngỏ lời muốn Triều Tiên cử đặc phái viên đến đối thoại, giải quyết khúc mắc. Song, trước sức ép và những hành động cứng rắn của Triều Tiên, Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo “không chịu đựng thêm bất kỳ hành động vô lý nào nữa”.

Được biết, ban đầu Hàn Quốc đã bày tỏ thái độ nhân nhượng trước phản ứng gay gắt phía Triều Tiên về vụ rải truyền đơn và kêu gọi ông Kim Jong-un đừng nên “đóng cánh cửa đối thoại”. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho biết đang theo dõi thái độ và các hành động tiếp theo của phía Triều Tiên. Có thể thấy, căng thẳng Hàn Quốc - Triều Tiên gần như đã đe dọa những nỗ lực hòa giải trước đây của cả hai. Động thái mới nhất từ Bình Nhưỡng đã hạ nhiệt căng thẳng quan hệ hai miền với chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un.