Hà Kiều Anh đính chính: “không dám nhận mình là công chúa của bất cứ triều đại nào”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Hoa hậu Việt Nam 1992” Hà Kiều Anh chính thức lên tiếng giải thích về việc bị cho tự nhận mình là “công chúa đời thứ 7 của triều Nguyễn”.

Những ngày vừa qua Hà Kiều Anh rơi vào tâm “bão” dư luận khi đăng tải bài viết trên mạng xã hội kể về nguồn gốc “trâm anh thế phiệt” của gia đình bên nội nhà mình, trong đó có nhắc đến chi tiết bà nội cô luôn nhắc nhở cháu gái rằng bà là “con vua cháu chúa”, còn cô là “công chúa đời thứ 7” của triều Nguyễn.

Cụ thể, theo lời kể của Hà Kiều Anh thì bà cố nội (cụ nội) cô tên là Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh – một trong 7 người cháu nội của Tuy Lý Vương – hoàng tử thứ 11 con vua Minh Mạng. Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh sau này là vợ thứ 3 của một vị quan trong triều Nguyễn, hạ sinh được 2 người con và một trong 2 người con này là bà nội của Hà Kiều Anh, tên là Nguyễn Tăng Diệu Hương.

Ông nội và bà nội của Hà Kiều Anh

Ông nội và bà nội của Hà Kiều Anh

Chia sẻ của Hà Kiều Anh về cụm từ “công chúa đời thứ 7” vấp phải sự phản ứng dữ dội từ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử và “hậu duệ” triều Nguyễn. Trong đó, các ý kiến đều khẳng định Hà Kiều Anh không phải là “công chúa” vì bà cố nội của cô thậm chí còn không nằm trong danh sách có thể sắc phong công chúa. Chưa kể, dưới triều Nguyễn thì để được sắc phong tước hiệu “công chúa” cần hội tụ đủ 2 yếu tố: là con ruột của vua và phải được cử hành lễ sắc phong chính thức.

Trước sự quan tâm bàn tán của dư luận, Hà Kiều Anh sau nhiều ngày giữ im lặng đã quyết định lên tiếng giãi bày. Cựu “Hoa hậu Việt Nam” cho biết, nhân dịp giỗ bà nội, cô trong lúc xúc động nhớ về bà đã có một vài chia sẻ hồi tưởng trên mạng xã hội, tuy nhiên có lẽ do cách sử dụng từ ngữ chưa chuẩn xác nên khiến nhiều người hiểu lầm. Người đẹp bày tỏ, cô lấy làm tiếc về điều đó, đồng thời gửi lời xin lỗi đến tất cả mọi người về những sơ sót gây ra ồn ào không đáng có này. Cũng theo Hà Kiều Anh, cô chưa từng và không dám nhận mình là công chúa của bất cứ ai hay bất cứ triều đại nào, chỉ xin được làm “công chúa nhỏ của bà nội”.

Hà Kiều Anh

Hà Kiều Anh

Qua sự việc lần này, Hà Kiều Anh tâm sự cô rút ra bài học kinh nghiệm về việc mỗi câu nói khi tồn tại trong một ngữ cảnh, một câu chuyện hoàn chỉnh mới thể hiện được hết ý nghĩa của chúng. Những lát cắt được tạo ra một cách vô tình trong câu chuyện trên có thể khiến câu chuyện bị đẩy đi xa, vô tình làm ảnh hưởng cả đến người bà đã khuất của mình. Đó là điều cô không hề mong muốn. Bởi lẽ với cô, gia đình trong trái tim mỗi người là điều vô cùng thiêng liêng quý giá và kỷ niệm là những gì còn lại sau tất cả. Vì thế cô luôn trân quý từng khoảnh khắc được ở bên cạnh người bà kính yêu của mình năm xưa và những kỷ niệm về bà luôn vẹn nguyên đẹp đẽ trong cô.

Hà Kiều Anh bộc bạch, qua sự việc ồn ào này, cô cũng đã lĩnh hội thêm được nhiều kiến thức mới mẻ, cảm thấy cảm kích và biết ơn về những góp ý thiện chí dành cho mình, đồng thời khẳng định: “nếu có sai thì sẽ sửa và rút kinh nghiệm để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày”.

Liên quan đến câu chuyện gia phả mà Hà Kiều Anh chia sẻ, ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú – hậu duệ đời thứ 5 của Tuy Lý Vương xác nhận, cụ nội của Hà Kiều Anh là con gái của ông Hường Ngại – một trong số những người con của Tuy Lý Vương. Do vậy, Hà Kiều Anh có thể xem là hậu duệ đời thứ 6 của Tuy Lý Vương nhánh bên ngoại.