Hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc mất nhiều hơn được

ANTĐ - Dù có tuyên truyền về sự trỗi dậy hòa bình như thế nào đi chăng nữa thì khi nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp với đại bộ phận các quốc gia láng giềng như hiện nay, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Giáo sư Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.

Hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc mất nhiều hơn được ảnh 1
Giáo sư Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc

- Xin giáo sư cho biết lý do thực tế mà Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981?

- GS. Kim Tae-wan: Khó có thể cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc đang tiến hành chỉ là để thăm dò dầu khí nên tôi nghĩ rằng, mục đích quan trọng hơn, đó là Trung Quốc muốn thể hiện cho bên ngoài thấy sự tự tin của Trung Quốc về sức mạnh quân sự khi đã sở hữu và vận hành tàu sân bay. Điều này nhằm thị uy với Mỹ và các quốc gia trong khu vực về lòng tự tin của Trung Quốc với trọng tâm là sức mạnh quân đội.  Như vậy, cùng với việc thể hiện quan điểm sẽ không từ bỏ chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đang tuyên bố với gần như toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc muốn Mỹ và các quốc gia liên quan thấy rõ ý chí của mình. 

- Với việc lắp đặt trái phép giàn khoan dầu khí ở vùng thềm lục địa Việt Nam, xin giáo sư cho biết Trung Quốc được gì và mất gì? 

- GS. Kim Tae-wan: Theo tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Trung Quốc đang muốn trở thành nước lãnh đạo cộng đồng quốc tế cùng với Mỹ theo kiểu G2, song căn cứ vào sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng khó có thể tiến hành khai thác dầu trên thực tế tại khu vực này. 

Hơn nữa, dù Trung Quốc có tuyên truyền về sự trỗi dậy hòa bình như thế nào đi chăng nữa thì khi nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp với đại bộ phận các quốc gia láng giềng như hiện nay, các quốc gia này sẽ đoàn kết lại và tiến hành các hoạt động nhằm kiềm chế việc cường quốc hóa của Trung Quốc. Điều này dẫn tới kết quả là sẽ giúp cho Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á. Các quốc gia châu Á đang có mâu thuẫn với Trung Quốc sẽ mượn sức mạnh của Mỹ để đối kháng với Trung Quốc. 

- Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên đưa vấn đề chủ quyền với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, giống như Philippines đã làm. Là một chuyên gia về Luật biển quốc tế, ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- GS. Kim Tae-wan: Cũng có trường hợp các bên liên quan đưa vấn đề chủ quyền lãnh thổ ra tòa án quốc tế, nhưng số này ít. Đặc biệt, trong trường hợp vấn đề đó không chỉ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà còn liên quan đến nguồn tài nguyên năng lượng to lớn nên không dễ gì các bên liên quan giao lợi ích quốc gia to lớn của mình cho bên thứ ba phán xét.  Việc giải quyết vấn đề thông qua sự can thiệp của bên thứ ba chỉ nên coi là giải pháp cuối cùng.

Điều quan trọng hơn ở đây là, vấn đề phát sinh ở Biển Đông của Việt Nam cũng là vấn đề chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Nói rộng ra, Biển Đông cũng là vùng biển mà Hàn Quốc và Nhật Bản có lợi ích quan trọng vì phần lớn giao lưu thương mại và nguồn cung cấp dầu đều thông qua vùng biển này. Theo đó, cần đặt mục tiêu xây dựng cơ chế liên kết vấn đề trên biển của khu vực Đông Á (Đông Nam Á và Đông Bắc Á) trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Về lâu dài, các nước trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, tiến hành hợp tác khai thác chung và theo phương hướng cùng chia sẻ lợi ích sẽ là điều hợp lý. 

Tàu hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam,
không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 
(ảnh chụp ngày 20-5, do Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp)

- Giáo sư có thể đưa ra một số dự báo về tình hình hiện nay không? Liệu Trung Quốc có tiếp tục những hành động leo thang hay sẽ tìm cách hạ nhiệt?

- GS. Kim Tae-wan: Tôi nghĩ tình hình này sẽ không tiếp tục kéo dài lâu vì càng để kéo dài lâu, Trung Quốc càng bất lợi. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần xử lý một cách bình tĩnh dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế để Trung Quốc thấy rõ việc kéo dài căng thẳng như hiện nay tuyệt đối không có lợi cho Trung Quốc, đồng thời Việt Nam có thể thông qua các kênh chính thức và không chính thức để trao đổi, giao thiệp với nhà cầm quyền Trung Quốc. 

- Xin cảm ơn giáo sư!