Gương mặt, hình dáng vua Hùng trong quy hoạch tượng đài đến năm 2035 sẽ như thế nào?

ANTD.VN - Tại hội thảo xin ý kiến chuyên gia về quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức ngày 8/5/2018, nhiều băn khoăn đã được bày tỏ về hình dáng, gương mặt vua Hùng sẽ như thế nào khi được phóng tác trong thực tế.

Việt Nam chưa có công trình tượng đài về vua Hùng

Quốc tổ Hùng Vương là cách gọi các vị vua nước Văn Lang, cội nguồn của dân tộc Việt Nam, lập quốc vào năm 2879 trước Công nguyên, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước Công nguyên. Hiện nay, đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ và một số ít ở không gian ngoài trời công cộng gồm có 3 tượng vua Hùng tại công viên văn hóa Đồng Xanh (Gia Lai), tượng ngoài trời Hùng Vương, tượng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối tiên, TPHCM và một vài tượng Hùng Vương khác ở ngoài trời quy mô nhỏ…

Các chuyên gia nhận đinh, tính thẩm mỹ của các tượng vua Hùng hiện nay đều mang đậm tính tự phát. Hầu hết các tượng này được thể hiện bằng sơn phết màu vì ảnh hưởng lối tạo hình dân gian truyền thống, trang phục đa số được khai thác theo tư liệu từ nhiều nguồn như họa tiết trống đồng để thể hiện mũ long chim, họa tiết hoa áo, khố, vòng trang sức… Nếu xét tiêu chí là công trình tượng đài Hùng Vương, Việt Nam chưa có công trình nào đủ đáp ứng các yêu cầu.

Tượng vua Hùng tại công viên văn hóa Đồng Xanh (Gia Lai)

Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng tượng vua Hùng tại các địa phương trên cả nước lại khá phổ biến nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân trong việc tri ân công đức của các Hùng Vương có công dưng nước. Vì thế, các ý kiến tại hội thảo lần này đều tập trung làm rõ các tiêu chí, nhiệm vụ và mục tiêu của “Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035”.

PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã bày tỏ những băn khoăn về hình dáng và gương mặt của vua Hùng khi tạc tượng trong thực tế. Bởi các tư liệu lịch sử để nhận diện vua Hùng là rất hiếm hoi. Hầu hết các tượng đã xây dựng về vua Hùng hiện nay đều được làm theo lối mô phỏng bằng trí tưởng tượng.

Do vậy, PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, quy hoạch này cần đặt ra mục tiêu cụ thể để tạo hình mẫu chung về vua Hùng và kiểm soát số lượng tượng đài. Đồng thời, việc lựa chọn địa điểm đặt tượng phải căn cứ vào các tiêu chí như nằm trong tổng thể chung của phát triển địa phương, tượng đặt tại các không gian công cộng, thu hút đông đảo người xem tới tham quan…

Kiểm soát số lượng tượng đài là cần thiết

Đồng tình với những thắc mắc trên của PGS.TS Phạm Mai Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, qua cuộc khảo sát của ông trong chuyến tham quan ở một số nước châu Âu và châu Úc cho thấy, nhu cầu thờ cúng vua Hùng của kiều bào Việt Nam tại nước ngoài rất lớn. Nhưng tới nay, vua Hùng có hình dáng ra sao vẫn còn là mối băn khoăn của nhiều người. Việc hiện thực hóa vua Hùng trong nghệ thuật điêu khắc cần được làm thận trọng, tránh những thiếu sót không cần thiết.

Gương mặt vua Hùng được tạc tại Khu du lịch văn hóa Suối tiên, TPHCM

Nhà sử học Dương Trung Quốc mong muốn, quy hoạch tượng đài vua Hùng do Bộ VHTTDL thực hiện sẽ giới hạn số lượng, phát huy tối đa không gian thờ cúng tổ tiên. Nếu không kiểm soát số lượng, việc xây dựng tượng Hùng Vương sẽ được làm tùy tiện, người dân không biết đây là vua Hùng thứ 18 hay vua Hùng thứ bao nhiêu.

Để trả lời những thắc mắc của hai nhà khoa học, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định, quy hoạch tượng đài vua Hùng đem ra bàn thảo thực chất là để giới hạn và kiểm soát số lượng tượng sẽ xây dựng trên toàn quốc từ nay đến năm 2035. “Tôi được chỉ đạo làm thế nào để số tượng Hùng Vương xây dựng trênh lãnh thổ Việt Nam tối đa chỉ là 6, thấp hơn là 3,2 và thậm chí là 1” - ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Liên quan tới mục đích của quy hoạch xây dựng tượng đài vua Hùng, ông Trần Ngọc Chính, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, bản dự thảo đưa ra mục đích xây dựng tượng đài chưa rõ ràng. Tượng Hùng Vương được phóng tác trong thực tế để thờ cúng hay tôn vinh danh nhân?

Theo ông Trần Ngọc Chính, tượng đài vua Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết đối với mọi người dân Việt Nam. Do vậy tượng cần được đặt trong cảnh quan chung như quảng trường, cây xanh… Còn nếu tượng chỉ để thờ cúng tại các không gian tâm linh thì việc lập quy hoạch là không cần thiết.

Một ý kiến khác cũng rất đáng chú ý của Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Nguyễn Quốc Thông cho rằng, tượng đài ngoài trời bắt buộc phải có mối quan hệ giữa quy hoạch, kiến trúc và đô thị. Đặc biệt, muốn hạn chế số lượng tượng đài, Bộ VHTTDL cần đưa ra đủ các điều kiện, tiêu chí, không thể tùy tiện loại bỏ đề xuất xây dựng tượng đài vua Hùng do các địa phương đề nghị.

Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để chỉnh sửa. Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức cuộc hội thảo thứ 2 bàn về quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 tại TP.HCM vào ngày 10/5/2018. Bản dự thảo chung nhất sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 3/2018.