Gù vẹo cột sống ở trẻ nhỏ

(ANTĐ) - Các em học sinh ngày nay luôn được sắp xếp một thời khóa biểu dày đặc cùng sự kỳ vọng từ phía cha mẹ. Nhưng chính từ việc dồn ép quá tải ấy mà tỉ lệ học sinh bị mắc những căn bệnh học đường đang gia tăng với tốc độ cao, điển hình là cận thị và tật gù lưng.

Gù vẹo cột sống ở trẻ nhỏ

(ANTĐ) - Các em học sinh ngày nay luôn được sắp xếp một thời khóa biểu dày đặc cùng sự kỳ vọng từ phía cha mẹ. Nhưng chính từ việc dồn ép quá tải ấy mà tỉ lệ học sinh bị mắc những căn bệnh học đường đang gia tăng với tốc độ cao, điển hình là cận thị và tật gù lưng.

Nguy cơ từ khi còn bé

Một số bậc phụ huynh cho rằng trẻ bị cong vẹo cột sống là do bị ảnh hưởng khi đi học, nhưng thực tế chỉ ra rằng trẻ có thể bị gù vẹo cột sống ngay khi còn nhỏ. Trong thời gian này, chúng ta không nên bắt trẻ em tập đi vội bởi khi đó não và cơ quan hoạt động còn chưa phát triển.

Một số phụ huynh nóng vội, sốt ruột bắt trẻ em phải tập ngồi, đứng, đi lại quá sớm làm cho cột sống trẻ còn non nớt phải gánh chịu tải trọng lớn của đầu và phần trên cơ thể nên dễ bị đau lưng về sau. Do đó cần chọn thời điểm thích hợp để dạy trẻ tập đi và để trẻ vận động theo đúng khả năng của mình.

Khi trẻ mới bắt đầu tập đi thì người lớn phải đỡ, dìu, tuy nhiên cần tránh bế trẻ bằng một bên tay vì sẽ gây vẹo cột sống. Tư thế ngồi hoặc nằm cũng ảnh hưởng rất lớn đến cột sống của các bé, do đó cần tránh những tư thế không chuẩn hay nằm gối quá cao, khiến cột sống dễ bị gù.

Khi trẻ đã biết đi, cần dạy trẻ đi một cách tự nhiên, giữ đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là một trong những bước quan trọng nhất tránh cho trẻ bị gù hay cong vẹo cột sống sau này.

Cặp sách quá nặng và quá khổ là một trong những nguyên nhân gây gù vẹo cột sống ở trẻ em (ảnh có tính minh họa)
Cặp sách quá nặng và quá khổ là một trong những nguyên nhân gây gù vẹo cột sống ở trẻ em (ảnh có tính minh họa)

Đến lúc tới trường

Giai đoạn tiếp theo là khi trẻ bắt đầu đi học, đây là giai đoạn có tỉ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống cao nhất. Trẻ em tuổi mẫu giáo nếu phải ngồi học hay xem vô tuyến lâu, cột sống rất dễ bị gù, vẹo do hệ cơ bắp chưa đủ sức đỡ được trọng lượng cơ thể trong thời gian dài.

Do vậy, trẻ cần được tạo những điều kiện sinh hoạt, vui chơi, hoạt động thoải mái. Khi đó trẻ có thể thay đổi tư thế cột sống thường xuyên, kết hợp các hoạt động thể lực và nghỉ ngơi một cách hài hòa, hợp lý. Hiện nay, do chương trình học nặng nề, y tế học đường chưa phát triển đúng mức, các thầy cô giáo chủ yếu chỉ chú ý đến việc dạy trẻ kiến thức chưa quan tâm nhiều đến tư thế ngồi của trẻ.

Trẻ thường hay ngồi bò ra bàn, ép ngực vào thành bàn, nghiêng vẹo cổ để viết. Do vậy cùng với phát sinh tật cận thị, tỷ lệ học sinh bị biến dạng cột sống, lép ngực ngày càng tăng. Nhiều học sinh bị cong vẹo cột sống hay gù, vai bị lệch, vai cao vai thấp do cột sống bị xoay.

Hiện nay nhiều học sinh cấp 1, cấp 2 ngày ngày phải “gánh” những chiếc cặp có trọng lượng và kích thước quá khổ. Trong những chiếc cặp đó là đủ các loại: sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập, đồ dùng học tập… mà nhiều khi không cần phải mang tới trường. Những thứ không cần thiết này khiến các em bị quá tải và không còn giữ được tư thế thẳng lưng khi mang vác và học tập.

Ngoài ra, khi ngồi học ở trong lớp thì vị trí ngồi của mỗi học sinh là khác nhau, góc nhìn bảng của các em cũng khác. Nên nhiều khi để nhìn rõ được bảng, các em phải ngó nghiêng hoặc ngồi lệch hẳn người, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cong vẹo cột sống trong học đường.

Và những hệ lụy

Điều đáng lo lắng là tư thế không đúng khi ngồi học lại được củng cố thành tật và duy trì trong suốt cuộc đời, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển bình thường cũng như thẩm mỹ khi trẻ trưởng thành. Hậu quả của bệnh này không chỉ dừng ở những cơn đau mà còn làm trẻ trở nên tự ti và hạn chế  khả năng giao tiếp của bản thân khi bước ra cuộc sống.

Biện pháp khắc phục vấn đề này cũng khá dễ dàng và có khá nhiều lớp học thực hiện, đó là định kỳ đổi chỗ ngồi cho các em, lắp thêm bóng đèn chiếu sáng, lắp ri-đô che sáng bên ngoài, bắt buộc học sinh phải nghiêm túc thực hiện các tư thế ngồi học, trang bị những loại bàn ghế thông minh có thể điều chỉnh phụ thuộc vào thể trạng của học sinh… Khi ở nhà thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới cách ngồi học, tư thế đi lại của trẻ để có thể chấn chỉnh và điều trị kịp thời.

Kim Chi