GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về cách dập dịch sởi

ANTĐ - Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, muốn dập, đối phó với dịch sởi cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị; không ngần ngại công bố khi đã có dịch và cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cha mẹ có trẻ nhỏ "đứng, ngồi không yên" vì dịch sởi
Nếu như trước đây, dịch sởi bắt đầu bùng phát vào thời điểm mùa xuân, nếu biết kiêng cữ, giữ gìn sẽ không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, dịch sởi năm nay lại bùng phát khoảng từ cuối tháng 12-2013 sau đó gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp.  Năm nay, dịch sởi diễn biến khá đặc biệt, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, nhiều trẻ chưa xác định có bị sởi hay không đã biến chứng viêm phổi. Dù các bác sĩ đã dùng kháng sinh ngay từ đầu để điều trị cho trẻ mắc sởi nhưng trẻ vẫn tử vong.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về cách dập dịch sởi ảnh 1
Dịch sởi diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)

Được biết, mặc dù Bộ Y tế cho rằng dịch sởi đã bớt nguy hiểm, nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 25 ca tử vong do sởi biến chứng- con số mà nhiều chuyên gia y tế cho rằng là bất thường. Hiện, tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn có từ 15-30 ca nhập viện mỗi ngày, 2 bệnh nhân chung nhau 1 giường, thậm chí ngay cả phòng bác sỹ cũng được trưng dụng làm buồng bệnh.  Trước tình trạng dịch sởi diễn biến phức tạp như hiện nay, đông đảo các bậc phụ huynh có con em nhỏ đều hết sức lo lắng. Trên các diễn đàn bà mẹ và trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ thường xuyên cập nhật tình hình về dịch sởi, bày tỏ nỗi lo lắng khi con em mình còn quá nhỏ, chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm nhưng họ vẫn lo lắng vì dịch sởi năm nay phức tạp hơn mọi năm. Ngoài những lo lắng trên, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ thái độ bất bình với Bộ Y tế vì cho rằng bộ này vẫn đang giấu dịch, chưa công bố số liệu chính xác về các trường hợp tử vong.  Chia sẻ trên phương tiện thông tin đại chúng, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đã đến lúc ngành y cần phải công bố dịch sởi và nhìn nhận đúng dịch bệnh để người dân cảnh giác trước căn bệnh dễ lây lan, nguy hiểm”.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về cách dập dịch sởi ảnh 2
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ quan điểm, thông tin trên trang cá nhân

So sánh giữa dịch sởi hiện nay và dịch cúm gia cầm trước đây
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi, trên trang cá nhân của mình, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec chia sẻ bài viết liên quan đến dịch sởi, thu hút sự chú ý và tán thành của các bậc phụ  huynh.

"Tình hình dịch sởi hiện nay khiến tôi nhớ lại dịch cúm gia cầm những năm 2004-2005. Cuối năm 2003 khi thấy một số bệnh nhi chết do viêm phổi không đáp ứng với điều trị tôi đã phối hợp cùng bác sỹ Peter Horby gửi các mẫu bệnh phẩm sang phòng xét nghiệm Hongkong và sau đó là Viện Vệ sinh dịch tễ nhờ vậy đã sớm phát hiện trường hợp cúm gia cầm đầu tiên tại Việt nam. Dịch cúm gia cầm đã nhanh chóng được công bố và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để đối phó.

Dịch sởi hiện nay so với dịch cúm gia cầm có gì giống và khác?

1.Tính chất nguy hiểm: số bệnh nhân tử vong do sởi cao gấp nhiều lần so với số người tử vong do cúm gia cầm. Vì thế có thể nói dịch sởi đối với Việt Nam nguy hiểm hơn dịch cúm gia cầm.
2. Số người bị mắc bệnh: số người bị bệnh sởi đặc biệt là trẻ em cao hơn rất nhiều so với số người bị cúm gia cầm.
3. Tốc độ lây lan từ người sang người của bệnh sởi rất cao và nhanh trong khi lây từ người sang người ở cúm gia cầm vẫn đang còn được nghiên cứu 
4. Về độ lan phủ : số địa phương có bệnh nhân mắc bệnh sởi có lẽ nhiều hơn so với dịch cúm gia cầm ?
5. Sự tham gia của hệ thống: Với dịch cúm gia cầm gần như cả hệ thống được huy động, nhiều bộ, ngành đã vào cuộc: truyền thông, y tế dự phòng, điều trị, chính quyền các cấp…Tất cả các biện pháp ngừa và dập dịch trong bệnh viện và ngoài cộng đồng đã được thực hiện. Chính phủ đã có riêng một chương trình cung cấp máy thở và các phương tiện cấp cứu cho các bệnh viện trung ương và tất cả bệnh viện tuyến tỉnh. Có ngay một đề tài cấp nhà nước để nghiên cứu cơ chế gây bệnh, chẩn đoán và điều trị…Các cán bộ y tế tham gia chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, được hưởng bồi dưỡng theo chế độ chống dịch
6. Sự tham gia của các tổ chức y tế: có lẽ các tổ chức quốc tế sốt sắng tham gia vào cúm gia cầm nhiều hơn so với sởi.
7. Tác dụng của Vac-xin. Tác dụng phòng sởi của vac-xin đã được chứng minh trong khi đó với cúm gia cầm vẫn đang còn được nghiên cứu.

Những gì chúng ta có thể rút ra từ hai vụ dịch đó là:

1. Muốn dập dịch, đối phó với dịch cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
2. Đừng ngần ngại công bố dịch khi đã có dịch. Xét cả về 3 phương diện: mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các bệnh viện, con số tử vong, đều khó có thể nói dịch sởi đang được kiểm soát tốt.
3. Dịch sởi cho thấy cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ". 
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về cách dập dịch sởi ảnh 3
Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ cách phòng bệnh sởi cho trẻ bằng cách tắm cây, hạt mùi già


Lan truyền nhau cách phòng sởi
Bên cạnh sự chia sẻ những thông tin về dịch sởi, nhiều bà mẹ đã lan truyền nhau cách phòng sởi theo kinh nghiệm của dân gian. Theo đó, mua cây mùi già có quả rắn chắc, hoặc mua hạt mùi già khô cho vào đun sôi với nước, để gần nguội tắm cho trẻ. Trước khi tắm, nên cho trẻ uống một thìa nước mùi. Uống và tắm liên tục trong vòng 1 tuần, hoặc trong thời gian dịch sởi vẫn hoành hành. Cách này có thể đề phòng được bệnh sởi phát sinh, lại sạch và thơm. Nếu cẩn thận thì quần áo của các cháu cũng thỉnh thoảng cho vào nồi nước mùi già để đun sôi.