GS Ngô Bảo Châu: Đem đến vẻ đẹp của toán học

ANTĐ - Nổi tiếng trong lĩnh vực toán học với giải thưởng Field sang trọng và uy tín, GS Ngô Bảo Châu còn khiến các độc giả trong nước được biết tài năng trong lĩnh vực văn chương. 

Cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” được viết bởi GS Ngô Bảo Châu và đồng tác giả Nguyễn Phương Văn đã đem đến cho người đọc vẻ đẹp của toán học được viết bằng ngôn ngữ văn chương gần gũi, giản dị. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng GS Ngô Bảo Châu. 

Đồng tác giả Nguyễn Phương Văn và GS Ngô Bảo Châu ký tặng sách cho độc giả

- PV: Xuất phát từ ý tưởng nào, một giáo sư toán học lại thử tài viết văn, thưa anh?

- GS Ngô Bảo Châu: Cuốn sách này được xuất phát từ tình bạn trong sáng và bền lâu giữa anh Phương Văn và tôi. Chúng tôi đã làm với nhau rất nhiều dự án nhưng đều thất bại. Nhưng tôi tin, nếu chúng tôi hợp tác với nhau ở lĩnh vực văn chương thì thành công sẽ cao hơn. Hơn thế, khi nói chuyện tại các trường phổ thông và nhiều năm làm công tác giảng dạy trong đầu, tôi đã láng máng phác thảo ý tưởng sẽ viết câu chuyện toán học. Có nhiều khái niệm toán học mà tôi thấy nó là điều hiển nhiên nhưng nhiều người không hiểu hoặc hiểu rất mù mờ. Ban đầu tôi chỉ định viết thành một bài báo với góc nhìn trong sáng về các khái niệm khó hiểu của toán học và vẻ đẹp của toán học mà có người còn chưa hiểu nhưng rồi cuối cùng ý tưởng đó lại biến thành một cuốn tiểu thuyết “toán hiệp”. 

- Giáo sư làm toán giỏi thế thì viết văn sẽ thế nào?

- Tôi và anh Văn đều là những người yêu văn chương. Khi viết cuốn sách này, chúng tôi không nghĩ đến chuyện đạt nghệ thuật văn chương đến mức độ nào. Chúng tôi chỉ sử dụng văn chương ở kỹ thuật văn học như cách hành văn, yếu tố nhân vật để thể hiện các khái niệm phức tạp của toán học trở nên gần gũi, dễ đọc và dễ hiểu. Cuốn sách này chỉ là một phần của sách văn học chứ không phải sách văn học đúng nghĩa cho dù nó được gán mác tiểu thuyết “toán hiệp”. 

- Đọc sách do GS Ngô Bảo Châu viết, độc giả có cần một trình độ nhất định nào đó?

- Cuốn sách này chúng tôi viết cho trẻ nhỏ và những người còn giữ được tâm hồn trong sáng, hướng con người đến với giá trị chân-thiện-mỹ. Vì thế, ai cũng có thể đọc và ai cũng được phiêu lưu trong thế giới của những con số tàng hình. 

- Có độc giả đã nhận xét: sách trình bày đẹp nhưng có đoạn đọc không hiểu gì.

- Nói như vậy là còn nhẹ đấy! Có người còn nói thẳng với tôi rằng: sách đẹp nhưng viết cũng bình thường thôi! Tôi thấy như thế hơi bất công. Lịch sử của toán học trải qua 2.000 năm đã được gói gọn trong mấy chục trang sách cũng là sự nỗ lực của tôi và anh Văn tìm ra hình thức phù hợp để chuyển tải những vấn đề khó hiểu của toán học. Hơn nữa, cuốn sách này, có những đoạn tôi cố tình viết thật khó hiểu để người đọc không thể thưởng thức tác phẩm theo lối liền mạch từ A đến Z mà buộc họ phải đọc theo kiểu nhâm nhi, đọc đoạn này chưa hiểu thì lúc khác đọc lại. Đọc xong quay lại đọc tiếp. 

- Đồng tác giả mới viết nên cuốn sách, xin hỏi GS Ngô Bảo Châu đã viết bao nhiêu phần trăm trong cuốn sách? 

- Tôi không thích các câu hỏi có tính đo đếm. Chỉ biết rằng, đoạn đầu của câu chuyện, chúng tôi viết trúc trắc và mất công lắm! Nhưng càng về sau, chúng tôi viết càng nhuần nhuyễn hơn. Và cũng tốn kha khá tiền cà phê cũng như tiền internet để trao đổi.

- Tư duy logic và mạch lạc của toán học có ảnh hưởng nhiều đến Giáo sư khi cầm bút viết văn không? 

Tôi không thích sự rườm rà. Trong cuốn sách này, có những đoạn anh Văn viết hơi “bay” quá, tôi “cắt tỉa” thẳng tay để giữ được sự mạch lạc. Còn về logic toán học thì có thể lấy ví dụ thế này. Khi cuốn sách đã hòm hòm, tôi đọc từ đầu tới cuối truyện không thấy có cái cây nào mà theo lẽ thông thường ở các truyện cổ tích cây cối bao giờ cũng rất xanh tươi. Tôi bảo Văn: “Em phải cho cái cây nào vào cho có màu xanh đi chứ!”. 

- Cuốn sách đã ra mắt và Giáo sư có thấy tiếc nuối điều gì không? 

- Các nhân vật của tôi chỉ có một niềm khao khát là được khám phá. Các nhân vật không vui cũng không buồn mà chỉ bộc lộ về toán học. Đấy cũng là điều tôi tiếc vì mình viết chưa truyền được phần con người trong mỗi nhân vật. Nhưng tôi không thể làm khác được vì định hướng ban đầu đặt ra. 

- Anh có ý định sẽ viết một cuốn sách “Làm thế nào yêu toán như Ngô Bảo Châu” để dẫn dắt các bạn trẻ đến với toán học?

- Tôi nghĩ cuốn sách đã ra đời rồi đấy!

Xin cảm ơn GS Ngô Bảo Châu về cuộc trò chuyện!