GS. Cù Trọng Xoay: Hài hước chất lính

ANTĐ - Chương trình “Nụ cười chiến sĩ” ra mắt, GS. Xoay không khỏi ngỡ ngàng vì “không ngờ những dòng kịch bản ngô nghê của mình lại được “tượng hình” rõ nét đến thế, qua bàn tay của đạo diễn, NSƯT Chí Trung”.
 

Nụ cười chiến sĩ công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ và Rạp Sinh viên từ ngày 29-10


Không thể bốc phét

Với Đinh Tiến Dũng - Cù Trọng Xoay viết về Ngọc Hoàng Thượng Đế còn dễ, bởi dẫu sao còn mang nhiều nét “ảo”, có thể “phóng bút” được, chứ viết về người lính thì tuyệt đối không thể… bốc phét. Sự trẻ trung, giản dị và dễ gần của người lính hóa ra không dễ khắc họa trong một tiểu phẩm ngắn và những đoạn thoại. Thêm nữa, chất lính ở đây lại cần điểm nhấn là sự hài hước sâu sắc và ý nghĩa nhân văn.

Đinh Tiến Dũng kể lại: Nụ cười chiến sĩ là kết quả của chuyến đi biểu diễn động viên lính đảo Trường Sa hồi tháng tư vừa qua của anh. Chuyến đi ấy với mục đích giao lưu, động viên lính đảo, nhưng khi đặt chân lên đảo rồi mới thấy chính lính đảo là những người động viên lại những người đi… động viên. Đinh Tiến Dũng đã rất ngạc nhiên, xúc động khi trò chuyện với một chiến sĩ, khoảng 19-20 tuổi. Chàng lính này đã nói với anh một câu rất giản dị: “Đối với người lính như chúng em, được ra đảo là một vinh dự lớn, nếu có phải hy sinh cũng không thấy có gì hối tiếc”. Điều này không phải ai cũng nghĩ và làm được. Chính cuộc chuyện trò ngắn ngủi trong lần ra đảo là động lực thôi thúc Dũng viết những dòng kịch bản về người lính” .

Ra được chất hài rất khó

Không chỉ viết kịch bản hài, GS Xoay của “Thư giãn cuối tuần” còn sáng tác một bài hát với tựa đề “Tình đảo xa”. Trong buổi ra mắt chương trình “Nụ cười chiến sĩ”, Đinh Tiến Dũng với trang phục đời thường bụi bặm đã ôm đàn guitar lên sân khấu hát. Rất nhiều khán giả trẻ đã tỏ ý bất ngờ vì GS. Cù Trọng Xoay vốn tếu táo, chuyên “mô đi phê” các bản nhạc nổi tiếng hoặc sáng tác một số ca khúc vui vui lại có thể sáng tác một “ca khúc nghiêm túc”, rất đúng và rất tình cảm như vậy về người lính đảo.

Sau đêm ra mắt ấy, có người đặt câu hỏi về sự góp nhặt trong nội dung kịch bản, về sự “lên gân” trong một tiểu phẩm của chương trình. Nhưng chính trong cái vẻ “lên gân” ấy, khán giả lại nhận ra những nỗi niềm mang hơi thở cuộc sống hiện đại của lính trẻ ngày nay. Đó có thể là trăn trở của cậu lính trẻ Hà thành, mong được về thủ đô “tăng gia sản xuất” vài ngày để kiếm được một khoản tiền nhỏ mang về đơn vị liên hoan. Là quan niệm “một ngày “kiếm” ở nhà bằng mấy tháng ở đơn vị” của cậu chàng vốn quen được chiều chuộng giờ phải chấp hành nghiêm túc kỷ cương quân đội. Đó còn là khái niệm lệch lạc ở lính mới nhập ngũ rằng ai cũng đi lính để được thăng quan tiến chức, được phân đất phân nhà chứ chẳng có chuyện ai cũng theo lý tưởng được cống hiến cho đất nước. Thực tế này đâu dễ thể hiện qua một tiểu phẩm với vài đoạn thoại giữa các nhân vật?

Và cũng bởi viết về người lính không dễ, nên những góc khuất mà Đinh Tiến Dũng khai thác cũng dễ bị trùng lặp ở đâu đó, với những câu chuyện gần giống nhau. Đó âu cũng là điều dễ hiểu. Điều quan trọng là cách thể hiện những câu chuyện quen quen đó cho ra chất lính, ra chất hài của lính trong không gian sân khấu. Vậy mới là khó, mới là nét khác biệt.